Ứng dụng công nghệ Hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh LILAMA gia công chế tạo thiết bị cho nhà máy sản xuất hydro tại Hoa Kỳ |
Phát triển, sản xuất hyrdo (hydrogen) là tất yếu và đóng góp quan trọng trong giảm phát thải khí CO2
Tại Hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ Hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh” do Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/3 tại TP. Đà Nẵng, ông Đặng Hải Anh – Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, tại Dự thảo Quy hoạch năng lượng, dự báo tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 160 – 171 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 262 – 296 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp chiếm 15 – 20% vào năm 2030 và chiếm 70 – 80% vào năm 2050. Hydrogen và nhiên liệu gốc hydrogen dự kiến đạt khoảng 16 – 22 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
Việc phát triển, sản xuất hydro tại Việt Nam là tất yếu trong tương lai, và góp phần quan trọng trong việc hướng tới trung hòa carbon |
Theo lộ trình phát triển dự kiến, đến năm 2030 sẽ phát triển các dự án hydrogen quy mô nhỏ. Sản lượng hydrogen đạt khoảng 20 – 25 ngàn tấn vào năm 2030. Trong giai đoạn 2031 – 2050, nhu cầu hydrogen sẽ tăng mạnh trong lĩnh vực sản xuất điện, công nghiệp, giao thông vận tải; đẩy mạnh sản xuất hydrogen bằng công nghệ điện phân (điện tái tạo) và khí hóa than. Mục tiêu đến năm 2050, sản lượng hydrogen sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn, nhiên liệu tổng hợp từ nguồn gốc hydro đạt khoảng 2,5 – 2,9 triệu tấn.
Bà Nguyễn Thị Thương – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay, theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than, khí trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ không phát triển thêm nguồn điện than; chỉ phát triển các nguồn điện LNG trước năm 2035 và ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, khi cần thiết sẽ thực hiện đốt kèm nhiên liệu hydrogen. Vì vậy, phát triển hydro là xu thế tất yếu trong giai đoạn tới và cần lộ trình thực hiện.
Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam đạt khoảng 121.757 – 145.989 MW. Trong đó, thủy điện chiếm 19,8 – 22,5%; nhiệt điện than chiếm 20,6 – 29,8%; nhiệt điện khí trong nước và LNG chiếm 24,9 – 27%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chiếm 18 – 27%; nhập khẩu điện chiếm 3,3 – 3,4%. Với chương trình phát triển nguồn như vậy, phát thải khí CO2 từ sản xuất điện của Việt Nam đạt định 239 triệu tấn vào năm 2035; giảm xuống còn 115 triệu tấn vào năm 2045 và chỉ còn 30 triệu tấn vào năm 2050, góp phần quan trọng trong đảm bảo cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.
Nguyễn Phúc Thanh – Giám đốc Công ty Hitachi Zosen Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội cho rằng sản xuất hydrogen tại Việt Nam còn vướng pháp lý, cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ tài chính |
Còn nhiều khó khăn và chờ cơ chế
Là một trong những đơn vị cung ứng giải pháp xử lý môi trường, giải pháp về năng lượng hàng đầu Nhật Bản, ông Nguyễn Phúc Thanh – Giám đốc Công ty Hitachi Zosen Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội cho rằng, tại Việt Nam, hiện nay việc sản xuất hydrogen xanh mới ở giai đoạn chuẩn bị bắt đầu và đang còn rất nhiều khó khăn về pháp lý, cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, rất cần cơ chế hỗ trợ về tài chính.
“Tôi hi vọng trong thời gian sớm sắp tới Việt Nam sẽ có những chính sách hỗ trợ cho sản xuất hydrogen phát triển”, ông Thanh nói và cho biết, ở các nước đang phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, công nghệ sản xuất hydrogen đang rất được thúc đẩy.
“Trong tương lai gần công nghệ này sẽ trở thành năng lượng thay thế trong tương lai. Tại Việt Nam tôi đang thấy có một sự chuẩn bị từ bây giờ. Trong khoảng 5 – 10 năm nữa thì sự chuẩn bị này là rất cần thiết”, ông Thanh nhìn nhận.
Đại điện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc phát triển, sản xuất hydro xanh còn đang gặp nhiều vướng mắc như để phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; nhu cầu hydro xanh các giai đoạn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó, khó khăn trong việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh. Ngoài ra, giá thành hydro hiện khá cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện từ hydro cao, khó cạnh tranh….
Đồng tình với quan điểm này, theo ông Đặng Hải Anh – Vụ Dầu khí và Than, việc sản xuất và tiêu thụ hydrogen tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đó là công nghệ điện phân với chi phí đầu tư lớn, phí vận hành và bảo trì cao; Thiếu hành lang pháp lý quản lý lĩnh vực hydrogen như tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định an toàn…; chưa có cơ chế chứng nhận Green Hydrogen; Thiếu hệ thống phục vụ cơ sở hạ tầng hydro và phát triển chuỗi cung ứng nói riêng; và thách thức về nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất hydrogen.
Ông Hải Anh cho rằng, nếu khắc phục được thách thức, sản xuất được hydrogen, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội như đã có thị trường sẵn có cho đầu ra của hydro xanh như sản xuất amoniac, thép, phân bón, hóa chất, lọc hóa dầu thay thế cho hydro xám (hydro được sản xuất từ nguồn khí thiên nhiên, than đá) trong nước; có tiềm năng sử dụng lớn trong tương lai để khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sử dụng hydrogen sẽ giảm tính gián đoạn của các nguồn năng lượng tái tạo qua việc lưu trữ trong thời gian dài. Và việc sản xuất hydrogen (với giá thành cạnh tranh) hoàn toàn có cơ hội để xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.