Cần sản xuất cà phê tập trung trong vùng quy hoạch |
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho biết: Diện tích trồng, năng suất và sản lượng cà phê nước ta tăng nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiện tượng El Nino đã tác động tiêu cực đến sản xuất cà phê tại Tây Nguyên. Năm 2016, tổng diện tích cà phê tại Tây Nguyên đạt 577.786ha nhưng có đến 116.403ha bị ảnh hưởng bởi hạn hạn, 6.854ha bị mất trắng. Mùa mưa năm 2017 đến sớm khiến 15 - 20% hoa cà phê nở trái mùa, trong đó 50 - 70% không đậu quả.
Theo các chuyên gia, trước những diễn biến phức tạp của khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cà phê, việc chia sẻ những kinh nghiệm trong canh tác cà phê, đề ra các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là rất cần thiết. TS. Trương Hồng - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - khuyến cáo: Khi tỷ lệ hoa cà phê nở sớm vào cuối mùa mưa và sau thu hoạch trên 10%, cần tưới đuổi với lượng nước vừa phải và tập trung để bảo đảm quá trình phân hóa mầm hoa tiếp tục thuận lợi trong mùa khô hạn. Đối với những diện tích nở hoa sớm với tỷ lệ hoa nở không đáng kể (< 10%), không cần tưới đuổi mà để hoa đậu quả, khi thiếu nước, quả sẽ rụng tự nhiên và tỷ lệ này được bù đắp thông qua quá trình tự điều chín sinh lý của cây.
Ông Phan Thế Anh - nông dân sản xuất cà phê xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai - chia sẻ, gia đình ông luôn đợi đến lúc các đốt cành không ra nữa, lá đầu cành đã già và nụ hoa đã "mỏ sẻ" (nụ hoa đạt 3 - 5mm, được bao bọc bởi lớp màng sáp mỏng màu nâu giống như hình mỏ chim sẻ) đến gần hết các đốt cuối cùng (khoảng 70% trong vườn) mới tưới nước đợt 1 để cây bung hoa, với lượng nước khoảng 500 - 600 lít/cây.
TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ nét, sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Hậu quả của điều kiện thời tiết bất thường làm tăng chi phí sản xuất, sâu bệnh hại phát triển mạnh, cà phê giảm năng suất và chất lượng khiến sức cạnh tranh giảm. Trước tình hình trên, ngoài các giải pháp cấp bách cho sản xuất cà phê năm 2017, khắc phục tình trạng ra hoa trái vụ, về lâu dài, cần quán triệt việc sản xuất cà phê tập trung trong vùng quy hoạch. Không sản xuất cà phê ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước. Kiên quyết chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, sản xuất kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tái canh cà phê cần bám sát quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT, đặc biệt lưu ý đến hiện trạng vườn cà phê cũ về tình trạng già cỗi của cây cà phê, mức độ sâu bệnh hại… Sản xuất thâm canh cà phê không khai thác quá mức nhằm đạt năng suất tối đa. Tưới nước tiết kiệm là biện pháp hữu hiệu cho canh tác cà phê trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Đến năm 2016, cả nước có 105 huyện thuộc 22 tỉnh của 5 vùng trồng cà phê có tổng diện tích đạt trên 640.000ha, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với tổng kim ngạch đạt trên 3,36 tỷ USD. Trong đó, Tây Nguyên là vùng trọng điểm gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích khoảng 540.000ha, chiếm khoảng 84% diện tích cà phê của cả nước. |