Theo số liệu của Cục thuế Hà Nội, tính đến ngày 29/6/2022, số tiền mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã nộp vào ngân sách nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là gần 47 tỉ đồng trong khi đó số nợ thuế hiện đã lên đến 848 tỉ đồng. Trước tình hình đó, Cục Thuế TP.Hà Nội vừa có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Có thể khẳng định, việc Cục Thuế TP.Hà Nội đã và đang triển khi là đúng và nghiêm túc theo đúng các quy trình, quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng như theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Anvi đã từng nêu quan điểm: “Với các vi phạm về thuế, việc xử lý cũng phải công tư phân minh, về lý thì sẽ phải đóng cửa khu liên hợp, sân Mỹ Đình. Nhưng ở đây sân vận động là bộ mặt quốc gia, nếu không đóng cửa thì phải tìm ra ai chịu trách nhiệm, đơn vị nào đứng ra giải quyết. Nếu phải xử lý vấn đề tài chính, bán bớt tài sản đi, thu để bù lỗ tính vào tiền phạt… thì cũng cần phải làm nhanh, không nên chần chừ, suy đi, tính lại nữa bởi vấn đề này tồn tại quá nhiều năm rồi. Càng xử lý chậm, càng thêm gánh nặng cho nhà nước, khu liên hợp ngày càng khó khăn”.
Theo chuyên gia luật, trong trường hợp khu liên hợp bất lực chi trả, hai công trình thể thao lớn nhất của đơn vị này là sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước đứng trước nguy cơ có thể sẽ được đem ra đấu giá. Đáng buồn thay khả năng không trả được nợ thuế là rất cao vì mọi khoản thu nếu có của khu liên hợp là không thể đủ.
Ông Trần Văn Chiên, Phó giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã từng thẳng thắn thừa nhận rằng: “Ngân quỹ không còn gì cả, trước đây, thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, mỗi năm thu từ 50-70 tỉ, nhưng tiêu sạch rồi, chúng tôi làm gì còn nguồn thu…”.
Ngắm nhìn cơ ngơi hàng ngàn tỉ đồng, từng là niềm tự hào của đất nước đứng trước nguy cơ có thể bị kê biên, đem ra đấu giá để siết nợ khiến ai ai cũng cảm thấy đau đớn, xót xa.
Không phải bỗng nhiên mà người ta lại nhắc đến cựu Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa trong bối cảnh như hiện nay.
Ông Cấn Văn Nghĩa giữ chức Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ năm 2009 đến 1/2018 thì về hưu. Trong thời gian đó, ông Cấn Văn Nghĩa đã không làm đúng nhiều quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản công. Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình dưới thời ông Nghĩa làm giám đốc đã không thực hiện công khai (năm 2009-2012), cố ý không thực hiện công khai (từ năm 2013) các hợp đồng cho thuê mặt bằng tại các khu đất, vi phạm quy định của Bộ Tài chính.
Các hợp đồng mà khu liên hợp ký kết đều có quy định doanh nghiệp không được cho thuê lại mặt bằng nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho thuê lại mặt bằng, giá cho thuê lại cao gấp 3 lần giá khu liên hợp cho thuê (năm 2018, khu liên hợp ký hợp đồng với 17 doanh nghiệp nhưng thực tế có 144 doanh nghiệp sử dụng mặt bằng đất). Giám đốc Khu liên hợp thể thao đã giảm trừ tiền, thời gian tính tiền thuê mặt bằng cho 15 doanh nghiệp với lý do không rõ ràng, chưa khách quan, không được thông qua Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Công đoàn; cho 7 doanh nghiệp thuê mặt bằng với đơn giá thấp hơn trong Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở vật chất; chưa thu được hết tiền cho thuê mặt bằng của 5 doanh nghiệp…
Ảnh minh họa. |
Rồi còn đủ các chuyện đục khoét nâng giá thiết bị, sự mập mờ trong các gói thầu cải tạo nâng cấp trang thiết bị đã được một số cơ quan báo chí nhắc đến trong suốt thời gian qua.
Tại sao một vấn đề nghiêm trọng như thế lại không được xử lý và ngăn chặn kịp thời? Những cá nhân hưởng lợi thì hạ cánh an toàn, lẽ nào bây giờ món nợ thuế thì nhân dân phải chịu?
Luật pháp luôn luôn công bằng, thời gian qua, nhiều người dân từng bị siết nợ cả nhà xưởng, đất đai, xe cộ và cả nhà cửa để trả nợ thuế. Vậy thì những người gây ra món nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phải có trách nhiệm chi trả chứ không phải bằng cách đấu giá, kê biên tài sản công của quốc gia.
Dư luận đang mong muốn các cơ quan chức năng cần chỉ rõ sai phạm của các cá nhân, tập thể trong từng giai đoạn để từ đó quy trách nhiệm, xử lý sai phạm và có biện pháp khắc phục hậu quả.