Nông sản hữu cơ “được lòng” các nhà bán lẻ
Mới đưa các dòng sản phẩm hữu cơ là bột tía tô, bột rau má, các sản phẩm miến rau củ….ra thị trường khoảng 6 tháng, và mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, việc quảng bá, xúc tiến thương mại gặp nhiều khó khăn nhưng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch Đông Triều (Quảng Trị) vẫn nhận được tín hiệu tích cực của thị trường khi sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, tại chương trình xúc tiến thương mại với các địa phương miền Trung, HTX Đông Triều đã tìm được hàng loạt các nhà phân phối, mà chủ yếu là cửa hàng thực phẩm sạch, và đã có một số siêu thị lớn đặt vấn đề quan tâm sâu hơn đến hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
“Việc canh tác sản phẩm theo phương pháp hữu cơ khó khăn, tốc độ phát triển sản phẩm cũng chậm hơn nhiều do hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo vệ động vật, không sử dụng phân bón hóa học. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà hàm lượng chất dinh dưỡng của sản phẩm rất cao, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối với sức khỏe người tiêu dùng”, bà Trần Thị Ánh Hương đại diện HTX chia sẻ.
Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp Chư A Thái (Gia Lai) được nhiều đơn bị bán lẻ tại TP. Đà Nẵng quan tâm trong chương trình kết nối giao thương giữa Đà Nẵng với các tỉnh khu vực Tây Nguyên mới đây |
Cũng là đơn vị canh tác hữu cơ, với sản phẩm chính là gạo hữu cơ và các sản phẩm từ gạo, ngoài ra còn các sản phẩm rau xanh hữu cơ, Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị nhận được sự quan tâm lớn của nhiều siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Đà Nẵng như cửa hàng thực phẩm sạch của HTX Thu Bồn, cửa hàng thực phẩm sạch An Phú Farm, cửa hàng thực phẩm của HTX Kim Thành….
Cũng mới chuyển đổi sang sản xuất dòng sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm như bí đỏ công nghệ Nhật, cà chua bi, dưa leo, dâu tây, các loại rau… cơ sở sản xuất Huệ Tâm (Kon Tum) mang sản phẩm đến giới thiệu với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP. Đà Nẵng và rất được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm Đà Nẵng chào đón. “Chúng tôi lần đầu tiên mang sản phẩm hữu cơ đến giới thiệu và rất may mắn là nhận được phản hồi ban đầu tích cực của các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị mini và một số siêu thị lớn”, đại diện cơ sở cho hay.
“Mọi thực phẩm tại Siêu thị Big C (Go) đều rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhưng theo xu hướng của người tiêu dùng chúng tôi ưu tiên tìm kiếm những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng như Global Gap, VietGap, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ”, bà Võ Thị Yến Xuân – Đại diện thu mua của hệ thống siêu thị Big C (Go) thông tin.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm hữu cơ để đảm bảo an toàn, hàm lượng dinh dưỡng cao. |
Xu hướng tiêu dùng "có thể ăn ít nhưng phải sạch và ngon"
Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy, có tới 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị. Các chuyên gia cũng nhận định khi thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tầng lớp trung lưu phát triển thì người tiêu dùng dần trở thành người tiêu dùng thông minh, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh thông qua sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu sạch.
Trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng, trong thời gian gần đây, tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn đến các cửa hàng thực phẩm sạch, lựa chọn mua các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chuẩn Global Gap ngày càng tăng, cũng vì vậy số lượng cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố này ngày một nở rộ mạnh mẽ. “Tôi dần thay đổi thói quen mua các loại rau củ thay vì quan tâm đến giá thì quan tâm hơn đến nguồn gốc và các chứng nhận sản phẩm nếu có”, bà Nguyễn Thị Thanh Minh (Hải Châu 1, Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ.
Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất nông sản cũng dần chuẩn hóa tiêu chuẩn trồng trọt. Công ty CP Ban mê Green Fram (Đắk Lắk) hiện đang trồng các thực phẩm theo hướng canh tác sạch, sản phẩm hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, các dư lượng kim loại nặng, chất kích thích, chất bảo quản.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh – Đại diện công ty cho biết: các dòng sản phẩm của đơn vị như cà chua bi, măng tây…khi đi kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm đều đạt tiêu chuẩn 3 không (không phân bón và không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không chất biến đổi gen). Theo bà Thanh người tiêu dùng có xu hướng quan tâm rõ nét hơn đến nguồn gốc thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch Covid – 19. “Mặc dù trong thời gian dịch bệnh sản phẩm của chúng tôi vẫn đứng vững và phát triển mạnh trên thị trường. Khi các siêu thị, đối tác đến thăm trang trại của chúng tôi thì đã hoàn toàn chấp nhận mức giá cao hơn so với mặt bằng thực phẩm cùng loại, và sản phẩm rất được người tiêu dùng lựa chọn”, bà Thanh nói.
Tiêu dùng thực phẩm sạch là xu hướng tất yếu khi đời sống của người dân ngày càng tăng cao, và yêu cầu bảo vệ sức khỏe cũng theo đó tăng lên |
Theo bà Thanh, đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ phải thay đổi suy nghĩ của khách hàng. “Ngon, bổ không bao giờ là rẻ. Tại vì chúng ta bỏ tâm, bỏ sức để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng, chi phí lớn, thời gian nhiều thì giá chắc chắn không thể rẻ”, bà Thanh bày tỏ và cho rằng, giá cả tương xứng với chất lượng, các sản phẩm hữu cơ mang hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận. “Xu hướng tiêu dùng sắp tới được dự báo là có thể ăn ít đi nhưng phải ăn sạch và ăn ngon hơn, chứ không phải là ăn số lượng nhiều”, bà nói.