Sàn giao dịch thịt heo TP.Hồ Chí Minh: Góp phần bình ổn giá mặt hàng thịt heo Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago hỗ trợ xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh |
Mới đây, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nhiều thịt heo nhất cả nước với khoảng 9.500 con/ngày thường và 10.000 con/ngày cuối tuần, quy mô thị trường lên tới hơn 500 triệu USD/năm.
Nhìn nhận về việc này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đây là phương thức buôn bán hiện đại, có tiêu chuẩn rõ ràng, thuận tiện cho việc "khớp lệnh". Bởi lẽ hiện nay các doanh nghiệp, người dân đang bán heo và nhận tiền thanh toán ngay tại trại. Cùng với đó, chuỗi cung ứng thịt heo của Việt Nam trước nay có nhiều khâu trung gian khiến giá thành bị đội lên. Vì vậy, người chăn nuôi bán giá thấp nhưng người tiêu dùng phải mua giá cao.
Chính vì vậy, sự ra đời của sàn giao dịch thịt heo sẽ giúp bà con chăn nuôi có được giá ổn định, thoát khỏi cảnh nhiều tầng nấc trung gian, người tiêu dùng mua được sản phẩm thịt với giá tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực tế, có thể thấy việc giao dịch hàng hóa thông qua sàn giao dịch đã trở thành xu thế, các nước đã làm nhiều. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc giao dịch hàng hóa qua sàn chưa phổ biến hoặc đã hình thành một số sàn giao dịch ở TP. Hồ Chí Minh và một vài tỉnh nhưng chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi đóng cửa vì không đem lại hiệu quả.
Việc giao dịch thịt heo trên sàn sẽ không dễ thực hiện |
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng giao ngay là một bộ phận của giao dịch kỳ hạn. Theo TS. Hiển, bản chất của giao dịch kỳ hạn là nếu người mua ký hợp đồng kỳ hạn, chính là giao ngay nhưng đến ngày đó người bán không giao hoặc đóng trạng thái giao dịch sẽ chuyển sang giao dịch tương lai hoặc giao dịch kỳ hạn.
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh các chợ đầu mối như chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và một số tỉnh đang làm chức năng sàn giao dịch giao ngay rất tốt. Do đó, nếu TP. Hồ Chí Minh lập sàn giao dịch thịt heo giao ngay chưa chắc đã cạnh tranh được với các chợ đầu mối và thương lái, người chăn nuôi sẽ không lên sàn giao dịch.
Trong khi đó, đối với giao dịch kỳ hạn cũng rất khó khăn. Dẫn ví dụ cụ thể, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay Việt Nam là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Giá cà phê Việt Nam được giao dịch kỳ hạn trên sàn Liffe của Anh. Việc chuẩn hóa lên sàn giao dịch đối với cà phê tạo ra nhiều thuận lợi. Mặc dù vậy, việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Buôn Ma Thuột nhiều năm trước vẫn buộc phải "khai tử" vì… không có hoạt động giao dịch.
“Cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, tôm… sản xuất tập trung với quy mô lớn và chuẩn hóa cao, nhà xuất khẩu mua số lượng lớn, đấu giá trên sàn còn chưa thành công. Với mức tiêu thụ trung bình 10.000 con heo/ngày, nguồn cung không phong phú, khó chuẩn hóa nên chưa đủ nền tảng cho giao dịch giao sau”, TS Hiển chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhắc đến sàn giao dịch hàng hóa có nghĩa là phải đấu giá. Tuy nhiên, nguồn cung thịt heo hiện nay nằm trong tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này hầu hết đều có chuỗi cung ứng, họ tự quyết định giá, tự liên kết với các nhà phân phối mà không có nhu cầu lên sàn giao dịch.
Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, những người chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như cũng không có nhu cầu giao dịch giao sau, bởi thực tế hiện nay heo đến kỳ xuất chuồng họ bán cho thương lái và lấy tiền ngay. Vì vậy, ý tưởng rất hay nhưng khả năng lập sàn giao sau đối với thịt heo khó thực hiện.
“Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nguồn thịt heo từ các tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh tốt hơn, Nhà nước chỉ cần làm tốt hơn công tác quản lý ở các lò mổ, chợ đầu mối, chợ lẻ. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, siêu thị với hệ thống logistics như hiện tại đã phát triển chuỗi cung ứng thịt heo quá tốt”, ông Hiển nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi có sàn giao dịch, giá cả sẽ được công khai trên đó, những người có đủ điều kiện đều có thể tham gia. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan để hoạt động được thông suốt.
Cũng theo ông Hòa, hiện nay, hoạt động chăn nuôi do ngành nông nghiệp quản lý, khâu giao dịch mua bán tiêu thụ thuộc ngành công thương, vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm... Nếu chỉ một mắt xích chậm đi, chuỗi cung ứng này bị khập khiễng, có thể đi vào vết xe đổ của các sàn giao dịch trước đây.