Truy tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk và 15 cán bộ vì sai phạm trong đấu thầu thuốc |
Thanh tra tỉnh "vạch" hàng loạt vi phạm về đấu thầu
Chiều ngày 24/10 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình triệu tập, tổ chức cuộc họp nhằm xem xét, đánh giá, kiểm điểm cán bộ, công chức thuộc Sở Y tế Thái Bình theo nội dung kết luận thanh tra số 601/KL-TTr ngày 10/8/2022 do Thanh tra tỉnh ban hành.
Trước đó, ngày 21/2/2022, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình - Trần Trung Dũng ký ban hành Quyết định thanh tra số 112/QĐ-TTr về thanh tra việc thực hiện pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, các loại Kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, thuốc; việc thực hiện giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm; việc sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ ngày 28/2/2022 đến ngày 25/5/2022, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, làm việc với Sở Y tế và 23 đơn vị trực thuộc Sở Y tế; tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp các nội dung thanh tra.
Ngày 10/8/2022, Thanh tra tỉnh tỉnh Thái Bình ban hành Kết luận thanh tra số 601/KL-TTr, chỉ ra nhiều sai phạm trong tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư y tế và biểu hiện vi phạm luật Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND tỉnh Thái Bình.
Thanh tra tỉnh Thái Bình chỉ ra hàng loạt vi phạm trong công tác đấu thầu mua sắm thiết bị phòng dịch Covid-19 tại Sở Y tế tỉnh Thái Bình và các đơn vị trực thuộc |
Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Thái Bình nêu rõ: Trên cơ sở hồ sơ, thông tin, chứng từ, tài liệu do Sở Y tế Thái Bình và các đơn vị trực thuộc cung cấp, trong 2 năm từ 2020 - 2021, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện tổng số 414 gói thầu mua sắm với tổng giá trị mua sắm là 146 tỉ 113 triệu đồng.
Trong đó, về trang thiết bị đã thực hiện 29 gói thầu với giá trị 63 tỉ 287 triệu đồng. Về vật tư y tế, hóa chất đã thực hiện 245 gói thầu với giá trị 47 tỉ 726 triệu đồng. Về sinh phẩm, Kít xét nghiệm đã thực hiện 134 gói thầu với giá trị 33 tỉ 679 triệu đồng.
Trong quá trình tổ chức xây dựng giá mua các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, các loại Kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, thuốc làm cơ sở lập dự toán, tại một số gói thầu còn chưa bảo đảm hồ sơ, trình tự, thủ tục như: Không lưu trữ đầy đủ tài liệu việc tham khảo giá trúng thầu đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền; tài liệu làm căn cứ để xây dựng giả mua hàng hóa chưa phù hợp với quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP để xác định dự toán; trong 3 báo giá có 2 báo giá của 2 đơn vị cung cấp hàng hóa do cùng 1 cá nhân là người đại diện theo pháp luật; thẩm định giá nhà nước sau khi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu...
Tại một số gói thầu, đơn vị không thực hiện việc thẩm định giá nhà nước theo quy định, không trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt dự toán của Sở Y tế; phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng thẩm quyền.
Trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, tại một số gói thầu còn chưa bảo đảm hồ sơ, trình tự, thủ tục như: Không đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu theo quy định; việc xử lý tình huống trong đấu thầu chưa bảo đảm thủ tục; lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa là trang thiết bị y tế loại B, C, D nhưng không có hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán đối với trang thiết bị y tế loại B, C, D.
Chậm đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu; thực hiện hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng với kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; thực hiện không đúng quy trình, thủ tục chỉ định thầu rút gọn; thời gian thực hiện hợp đồng trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không phù hợp với quyết phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng, tiếp nhận, bàn giao tại một số gói thầu còn chưa bảo đảm hồ sơ, thủ tục như: Người ký biên bản thương thảo hợp đồng không đúng theo nội dung giấy ủy quyền; không yêu cầu các nhà thầu thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng; chưa có tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế loại A đã được cung cấp...
Một số gói thầu mua test xét nghiệm nhanh COVID-19 không bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (cơ sở y tế đã mượn, vay test xét nghiệm nhanh COVID-19 của đơn vị trúng thầu và sử dụng trước khi có kết quả lựa chọn nhà thầu).
Sở Y tế Thái Bình ban hành Công văn số 124/SYT-KHTC ngày 10/2/2020 về việc mua sắm thuốc, dung dịch sát khuẩn và khẩu trang y tế phòng, chống dịch bệnh nCov - trong đó hướng dẫn về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng với quy định của Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND tỉnh Thái Bình.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình- nơi chịu trách nhiệm chính đối với công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các gói thầu mua sắm - Ảnh minh họa (Ảnh Báo Thái Bình) |
Điều này đã dẫn đến việc Sở Y tế Thái Bình quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng thẩm quyền tại 5 gói thầu, với tổng giá trị các gói thầu là hơn 1,8 tỉ đồng.
Trách nhiệm để xảy ra vi phạm, tồn tại nói trên thuộc về Sở Y tế Thái Bình và các đơn vị trực thuộc với vai trò là chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm; Giám đốc Sở Y tế và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm; Phó Giám đốc Sở Y tế, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ chuyên môn các đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu, giúp việc trong tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; các đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế.
Thu tăng 15 tỷ đồng trái quy định: Trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Sở Y tế
Giám đốc và các Phó giám đốc Sở Y tế Thái Bình không chỉ chịu trách nhiệm đối với các vi phạm trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế mà Thanh tra tỉnh Thái Bình còn nêu rõ: Khi nhận được Văn bản số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19, Sở Y tế Thái Bình ngay sau đó ban hành Công văn số 1295/SYT-KHTC ngày 9/7/2021 về việc triển khai Văn bản số 5378/BYT-KHTC của Bộ Y tế.
Thế nhưng, nội dung Công văn số 1295/SYT-KHTC lại không hướng dẫn chi tiết và chưa kiểm tra, giám sát đầy đủ đối với các cơ sở y tế; sau đó tiếp tục ban hành Văn bản 1720/SYT-NVY ngày 17/8/2021 với nội dung không đúng theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Văn bản số 5378/BYT-KHTC.
Điều này dẫn đến hậu quả, 20/23 đơn vị y tế công lập được đoàn thanh tra xác minh trực tiếp đã thực hiện thu giá dịch vụ xét nghiệm nhanh vượt so với hướng dẫn tại Văn bản số 5378/BYT-KHTC với tổng số tiền là hơn 15 tỉ đồng.
Cụ thể, việc không hướng dẫn chi tiết và chưa kiểm tra, giám sát đầy đủ đối với các cơ sở y tế trong việc thực hiện thu tiền dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 theo Văn bản 4356/BYT-KHTC, Văn bản số 5378/BYT-KHTC của Bộ Y tế dẫn đến các đơn vị áp dụng giá tối đa 238.000 đồng đến ngày 17/8/2021 (cao hơn so với hướng dẫn tại Văn bản số 5378/BYT-KHTC). Từ ngày 1/7/2021 đến 17/8/2021, các đơn vị đã thu tăng tổng số tiền hơn 8,6 tỉ đồng.
Sở Y tế Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản khiến giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tăng hơn 15 tỷ đồng - Ảnh TTXVN |
Đến ngày 17/8/2021, Sở Y tế Thái Bình ban hành Văn bản số 1720/SYT-NVY về việc tăng cường quản lý và tổ chức các hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng chống dịch COVID-19, nhưng lại quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 trong toàn tỉnh là 210.500 đồng - dẫn đến hậu quả từ ngày 17/8/2021 đến 20/9/2021 - các đơn vị thu giá dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 cao hơn so với hướng dẫn tại Văn bản số 5378/BYT-KHTC, tổng số tiền đã thực hiện thu tăng là hơn 5,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, các cơ sở y tế thu với các mức giá dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 khác và giá dịch vụ xét nghiệm nhanh mẫu gộp... cao hơn Văn bản số 5378/BYT-KHTC với tổng số tiền thu tăng là hơn 1,3 tỉ đồng.
Để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế và cán bộ chuyên môn có liên quan chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu, giúp việc.
Thanh tra tỉnh Thái Bình kiến nghị UBND tỉnh này giao cho đơn vị thu hồi số tiền hơn 15 tỉ đồng để nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Hiện UBND tỉnh Thái Bình đang làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan khi để xảy ra sai phạm. Được biết, theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Thái Bình cho thấy: Hiện Giám đốc Sở là ông Phạm Quang Hòa được bổ nhiệm ngày 8/2/2021. Trước đó, Giám đốc Sở Y tế là ông Phạm Văn Dịu.
Cùng với đó là các Phó giám đốc gồm: Ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc phụ trách công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác đào tạo quy hoạch cán bộ, chế độ chính sách cho cán bộ viên chức người lao động, công tác thanh tra y tế; Công nghệ thông tin; Công tác dược, trang thiết bị y tế, quản lý hành nghề dược,... tham gia ban chỉ đạo hoặc hội đồng tư vấn có liên quan.
Ông Phạm Nam Thái, Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực công tác y tế dự phòng, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác văn hóa văn nghệ, công tác dân số phát triển, phụ trách điều hành các chương trình dự án thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, tham gia ban chỉ đạo, hội đồng các sở ban ngành của tỉnh về lĩnh vực công tác có liên quan,…
Ông Hà Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình. Trước đó, theo thông tin, ông Kiên được giao phụ trách Sở từ ngày 7/10/2020.