Bản xa xôi, khó khăn nhất xã biên giới
Đã được thông báo trước về độ khó của con đường dẫn lên bản Sa Lai (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), nhưng đi rồi mới biết còn khó hơn hình dung rất nhiều. Mưa lũ kết thúc đã cả tháng nhưng 18 km từ trung tâm xã Tân Xuân vào đến Sa Lai còn rất nhiều đoạn lầy lội, có nơi còn nguyên dấu tích cả mảng đồi sạt xuống.
Điểm trường đơn sơ - nơi học tập và vui chơi của trẻ em ở Sa Lai |
Trò chuyện với chúng tôi dưới ánh đèn tù mù trong căn nhà gỗ dựng theo đúng truyền thống đồng bào Mông, ông Lý A Sênh cho hay, trước kia lên với Sa Lai còn khó gấp trăm lần, phải đi bộ xuyên rừng, qua 11 khúc quanh của suối Con mới nhìn thấy bản.
Cũng theo lời ông Sênh, cả 7 dòng họ ở Sa Lai đều là người Mông chuyển từ các nơi đến nên sống khá hòa thuận. Về Sa Lai, người Mông mang theo bản tính cần cù, chịu khó; mang theo cả những hủ tục lạc hậu từ nhiều đời. Đơn cử như chuyện lập gia đình. Với người Mông, dù không có máu mủ ruột già, nhưng cùng họ là không được kết hôn. Nếu là con dì, con bác mà khác họ thì vẫn lấy nhau được. Không chỉ có hôn nhân cận huyết, tảo hôn đến nay vẫn là chuyện khá phổ biến ở Sa Lai. Câu chuyện của Khứ Thị Cao là một ví dụ. Cô gái có gương mặt còn búng ra sữa với 2 cặp má hồng rực này đã rất vô tư khi cho tôi hay, cô đang là mẹ của 2 bé trai, 1 bé 4 tuổi và 1 bé hơn 2 tuổi. Khứ Thị Cao lấy chồng từ năm 15 tuổi. Chồng cô là cậu con trai Giàng A Lý, khi kết hôn cũng đang ở tuổi 15. Bạn bè của Cao và Giàng cũng đều kết hôn sớm như vậy.
“Có tuyên truyền rồi đấy, nhưng phong tục tập quán lâu đời nên khó bỏ. Con gái 18, 19 tuổi mà chưa lấy chồng là đàn ông họ bảo: “Ối cái em đó già rồi, không lấy nữa” - Trưởng bản Sa Lai - ông Giàng A Dềnh nói. Ngay tại nhà ông Dềnh, 2 cô con gái học xong lớp 9 cũng nhất định không chịu đi học tiếp với lý do: “Già rồi, không học nữa. Ở nhà giúp mẹ lên nương rồi lấy chồng thôi”...
Giấc mơ ánh sáng điện
Đêm ở Sa Lai xuống nhanh, mới hơn 18 giờ, bóng tối đã bao trùm khắp bản. “Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm mở cho con đường đất, việc đi lại dễ hơn nhiều rồi. Nhưng điện thì chưa có đâu, vẫn thèm cái ánh sáng điện lắm. Bản có mấy cái máy xát chạy bằng dầu, nhưng dầu lại phải mua tận dưới xã. Cực lắm!”- Bí thư Lý A Sênh than thở.
Không có điện lưới, mỗi gia đình ở Sa Lai tự trang bị cho mình chiếc máy phát điện chạy nhờ nước suối. Nhà khá thì mua chiếc máy tầm 3 triệu đồng (có thể xem được ti vi, quạt), nhà nghèo mua chiếc rẻ hơn, tầm 1 triệu đồng (chỉ để thắp sáng). Điện thoại thì vẫn trong tình trạng phải dò sóng, tiếng được tiếng mất.
Cắm cúi soạn giáo án dưới ánh đèn suối leo lét, cô giáo Phan Thị Nga, người vào Sa Lai cắm bản lần thứ 2 cho biết: Người dân ở Sa Lai nghèo, nhưng rất hiếu học. So với các điểm trường khác thì học sinh ở Sa Lai bỏ học ít hơn, việc vận động trẻ đến trường cũng thuận hơn. “Trừ những ngày mưa lũ lớn, còn lại trẻ ở Sa Lai đi học khá đều đặn và rất ngoan hiền” – cô giáo Nga cho hay.
Tại điểm trường Sa Lai hiện đang có 79 học sinh từ lớp 1 – lớp 5 và 38 trẻ mầm non theo học. Đây có thể xem như một kỳ tích đối với bản vùng xa xôi khó khăn này. Bởi lẽ, như lời Bí thư Lý A Sênh thì, trước năm 2007, cả bản Sa Lai hầu như mù chữ: “Ăn còn chưa no, ai dám mơ đến chuyện học chữ…”.
Năm 2007, được chính quyền, các thầy cô và bộ đội giải thích, người dân Sa Lai đã tình nguyện xẻ gỗ dựng lên lớp học đầu tiên ở trung tâm bản. Thầy giáo đến, con chữ về, cũng là lúc những suy nghĩ tích cực bắt đầu nảy nở nhiều hơn ở Sa Lai. Từ chỗ chỉ trồng lúa nương năng suất thấp, nay người dân Sa Lai đã biết trồng lúa nước, biết chăm sóc trâu bò, lợn gà để chúng ít bị dịch bệnh hơn. Mấy năm gần đây, Sa Lai đã xuất hiện những gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi con tốt như: Gia đình Giàng A Tổng, Vàng A Dơ, Giàng A Mang…
Con đường bê tông nội bản, điện lưới quốc gia, trường học xây kiên cố… đều đã có kế hoạch xây dựng trong thời gian tới ở Sa Lai. Ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn với bản vùng cao này. |