Lán trại của vàng tặc tại khu vực Bãi Mố |
Trận địa của “vàng tặc”
Thời gian gần đây, Thượng Hạ Kim là một trong những điểm nóng về tình trạng khai thác vàng trái phép ở Thần Sa.
Xóm Thương Hạ Kim chỉ vài chục nóc nhà, chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống nhiều đời. Người dân cho biết, nhiều năm trước, dân đào vàng kéo lên Thần Sa cả ngàn người, đào bới khắp nơi. Sau đó các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã mạnh tay trấn áp, dẹp bỏ nên nạn “vàng tặc” tạm thời lắng xuống.
Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây lại bùng phát tình trạng khai thác vàng trái phép. Đã xuất hiện một số đối tượng đến địa phương mua gom đất rừng, khoanh vùng “lãnh địa”, tổ chức khai thác vàng trái phép.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, phóng viên chúng tôi tìm về địa danh Bãi Mố, nơi thời gian qua bị một nhóm đối tượng tổ chức khai thác vàng rầm rộ. Khi chúng tôi đến nơi, hiện trường để lại còn rất mới với những lán trại men những khe suối, máng đãi vàng vứt lỏng chỏng, những miệng hang, miệng hố đào khoét khắp nơi trên khu đất rừng cả chục ha. Đánh bạo một phen, phóng viên báo Công Thương cùng đồng nghiệp chỉ với ánh sáng từ màn hình điện thoại mò mẫm chui vào một số miệng hang ấy. Cửa hang đen ngòm, bên trong sâu hun hút đến vài chục mét. Sự ngột ngạt, cùng với cảm giác hầm có thể sập xuống bất cứ lúc nào khiến chúng tôi không thể thở nổi...
“Phù phép” mua gom rừng
Nói về khu vực Bãi Mố, ông Triệu Văn Kim - trưởng xóm Thượng Hạ Kim - cho biết, đây là khu đất rừng phòng hộ được địa phương giao cho ông Lý Kim Tài - một người của xóm - trông coi, bảo vệ. Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2013, tại đây xảy ra tình trạng để các đối tượng khai thác vàng trái phép hoạt động. Sau đó, sang năm 2014, khu đất rừng mấy chục ha này đã bán cho một người nào đó ở nơi khác mới chuyển đến. Từ khi rừng được bán, có nhiều người đến, nói là để trồng rừng, bảo vệ rừng, nhưng họ đến chỉ để khai thác vàng...
Được biết, ngày 8/4/2014, ông Lý Kim Tài ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng thửa đất số 79, 80, 81 với diện tích gần 300 nghìn mét vuông cho một người tên là Nguyễn Bá Mạnh với số tiền 150 triệu đồng. Điều đáng nói là qua thông tin từ Công an huyện Võ Nhai, ông Mạnh mới nhập khẩu về xóm Thượng Hạ Kim (nhập khẩu vào ngay nhà ông Lý Kim Tài) từ tháng 2/2014, tức là trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng đất rừng chỉ một thời gian ngắn.
Tiếp đó, đến tháng 7/2015, ông Mạnh lại chuyển nhượng 3 lô đất trên cho một người khác (cũng mới nhập hộ khẩu vào địa chỉ nhà ông Lý Kim Tài) bằng 3 bản hợp đồng với tổng giá trị lên đến gần 1 tỷ đồng.
Trong thời gian chuyển giao đất rừng đó, những hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra. Điều kỳ lạ là, con người, sự chuyển nhượng đất rừng, nạn khai thác vàng trái phép... không phải là “cái kim”, sao chính quyền địa phương vẫn không hay biết gì?
Ông Vũ Thế Cường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Võ Nhai: Chúng tôi đã từng kiểm tra, phát hiện việc khai thác vàng trái phép tại khu rừng phòng hộ do ông Nguyễn Bá Mạnh làm chủ. Việc giao rừng phòng hộ là do địa phương quản lý, nhưng với những chủ rừng không đủ năng lực, đặc biệt lại lợi dụng để tổ chức khai thác vàng trái phép thì cần kiên quyết thu hồi, xử lý. |