Tủ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại Chủ động giảm thiệt hại từ điều tra phòng vệ thương mại gỗ xuất khẩu |
Nguy cơ đối diện với vụ kiện mới
Mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) có Công văn số 299/PVTM-P3 gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cảnh báo Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là tủ gỗ có mã HS 9403.40.9060, 9403.60.8081, 8403.90.7080.
Ngành gỗ đối diện với vụ kiện mới về chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của DOC |
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vụ việc Hoa Kỳ cảnh báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam xuất phát từ việc vào tháng 02/2020, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm tủ gỗ xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài – cho hay, rủi ro này đang nằm ở các doanh nghiệp FDI mang yếu tố Trung Quốc. Dù mới chỉ là những thông tin ban đầu, nhưng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, một số sản phẩm của Việt Nam liên quan đến tủ bếp hoặc một số sản phẩm liên quan đến ván ép (ván plywood) rất có thể cũng phải chịu sự điều tra của Hoa Kỳ. “Các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính cũng phải chịu điều tra, giải thích và nhiều việc khác nữa. Rõ ràng, sẽ làm mất thời gian, kèm theo đó là những hệ lụy làm giảm tốc độ sản xuất cũng như giảm uy tín của các doanh nghiệp Việt trên thị trường đồ gỗ thế giới”, ông Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cho hay, gian lận thương mại hiện tập trung vào xuất xứ hàng hóa, có thể một số doanh nghiệp FDI nhập từng bộ phận sản phẩm về Việt Nam về lắp ráp và sơn phủ để xuất khẩu.
Hiện DOC mới dừng ở cảnh báo, sau khi có đưa ra kết luận điều tra, thị trường đầu ra và các đơn hàng của doanh nghiệp gỗ Việt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó và lường trước những vụ việc để có giải pháp cho phù hợp. “Có thể một số doanh nghiệp thương mại Hoa Kỳ lường trước việc này và sẽ có những động thái giảm đơn hàng, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn”, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - thông tin.
Doanh nghiệp chủ động, linh hoạt ứng phó
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ mỗi năm từ 24-25 tỷ USD, trong đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 33,9%, tương đương 3,3 tỷ USD, như vậy mỗi tháng có khoảng trên 800 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Trong đó, riêng tủ bếp và đồ nội thất (furniture), Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 14 tỷ USD, trong đó, lượng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam chiếm khoảng 29%. Hoa Kỳ và Việt Nam không mâu thuẫn về lợi ích. Mặt khác, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng muốn đa dạng thị trường, không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi đó, Việt Nam là nước có năng lực cạnh tranh.
Một vấn đề nữa được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhắc tới đó là Việt Nam xuất khẩu tăng rất mạnh nhưng nhập khẩu đầu vào tăng không đáng kể. Ví dụ, năm 2020 Việt Nam chi 2,5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ chế biến xuất khẩu, sang năm 2021 con số này là 2,9 tỷ USD (tăng 400 triệu USD), trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13,2 tỷ USD năm 2020 lên 15,8 tỷ USD năm 2021 (tăng 2,6 tỷ). Điều này cho thấy năng lực nội sinh của doanh nghiệp ngành gỗ là rất lớn.
Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends – nhận định, "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung xảy ra sẽ tạo khoảng trống cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thương mại xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong phần cơ hội có lồng ghép yếu tố rủi ro.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ thì việc đối diện với những vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại tần suất chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị cho mình một tâm thế.
Trong bối cảnh các hiệp hội ngành gỗ đang kết nối với các hiệp hội thành viên quốc tế, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, hiệp hội ngành gỗ cần đề nghị các hiệp hội thành viên quốc tế hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực cho các hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xử lý liên quan đến các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, không chỉ đợi khi vụ kiện bị cảnh báo thì doanh nghiệp mới lên phương án ứng phó, ông Nguyễn Sỹ Hòe cho hay, ngay từ đầu doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn gốc gỗ chuẩn ở Việt Nam hoặc một số quốc gia mà đảm bảo CITES (đối với gỗ nhập khẩu). Bên cạnh đó, trong quá trình doanh nghiệp sản xuất, đối với các hồ sơ chứng từ được doanh nghiệp lưu giữ theo đúng quy định của Hoa Kỳ và doanh nghiệp cũng chuẩn bị những kịch bản cụ thể sẵn sàng nếu DOC điều tra.
“Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chúng tôi đã luôn sẵn sàng trong việc chuẩn bị hồ sơ. Tuy nhiên, có thể vẫn còn một vài vấn đề như việc sao lưu hay việc chuẩn bị hồ sơ theo nguyên tắc của Hoa Kỳ để họ kiểm tra. Do đó, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị kỹ hơn”, ông Nguyễn Sỹ Hòe cho biết.
Trong trường hợp DOC đưa ra kết luận điều tra, sẽ có một số doanh nghiệp phía DOC chọn trong danh sách bị đơn bắt buộc để điều tra và một số doanh nghiệp thì không. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ chính các doanh nghiệp đã từng tham gia cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế, các doanh nghiệp dù có tên hay không có tên trong danh sách cũng nên tự nguyện tham gia khai báo, gửi thông tin để phản biện, làm rõ. Bởi vì nếu doanh nghiệp không tham gia ngay từ đầu, doanh nghiệp sẽ không có cơ hội chứng minh doanh nghiệp mình làm đúng và sau này cũng sẽ không có bất kỳ cơ hội nào khác để chứng minh.
Bên cạnh đó, phải có luật sư có mối quan hệ thân thiết với DOC, họ hiểu rõ cách làm là điều tốt nhất. Trong khi tham gia vụ kiện, cũng cần làm rõ vai trò của luật sư, họ tham gia đến mức độ nào. Thông tin ngay từ đầu rất quan trọng, theo đó, phải chính xác, đầy đủ, trung thực và nhất quán. Doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.
Theo các chuyên gia, các vụ kiện liên quan đến chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Những sự việc tương tự được dự báo sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay mà còn nhiều năm tiếp theo. Do đó, cần giải quyết vấn đề gốc vấn đề đó là tự chủ cao nhất được nguồn nguyên liệu. Việc này cần sự chung tay từ nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp.... Thách thức cũng là cơ hội cho chính các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu của Việt Nam.