Lộ diện room tín dụng năm 2023 của 8 ngân hàng Room ngoại tại ngân hàng Việt: Nơi cạn kiện, chỗ còn nguyên |
Nhiều người lao động dù đã đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng nhưng vẫn không thể vay vốn vì lý do cạn room tín dụng. Vậy room tín dụng là gì và nó ảnh hưởng đến người lao động phổ thông như thế nào?
Anh Đ.G.T làm công nhân tại một nhà máy cơ khí của nhà nước, nhiều năm nhận lương qua thẻ ngân hàng, thu nhập không khá. Cuối năm, gia đình có việc, cần gấp một khoản tiền nên anh tìm đến ngân hàng mình thường nhận lương để vay. Tuy nhiên, anh bị từ chối vay vì lý do room tín dụng cạn khiến anh không biết xoay xở như thế nào.
Room tín dụng là gì?
Hiểu một cách đơn giản, room tín dụng là hạn mức mà ngân hàng thương mại được phép cho vay. Hàng năm, hạn mức này sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, dựa trên quy mô và năng lực tài chính của ngân hàng đó. Ví dụ, ngân hàng A có quy mô tín dụng là 1.000.000 tỷ đồng và được cấp room tín dụng là 10% trong năm thì tổng số tiền tối đa mà ngân hàng này được phép cho vay trong năm đó sẽ là 1.100.000 tỷ đồng.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định room tín dụng nhằm để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng nhưng đó là từ góc nhìn vĩ mô. Còn đối với các ngân hàng, việc quy định mỗi ngân hàng một room tín dụng riêng sẽ đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các ngân hàng lớn nhỏ khác nhau cũng như giúp các ngân hàng có thể quản trị hoạt động cho vay một cách hiệu quả và đúng mục đích hơn.
Ngay từ đầu năm, sau khi các ngân hàng nhận được hạn mức trên, họ sẽ lên kế hoạch cho vay. Tổng số tiền có thể cho vay sẽ được phân bổ theo tỉ lệ vào hai hạng mục là cho vay doanh nghiệp và cho vay cá nhân. Tuỳ theo thế mạnh và đối tượng khách hàng chính mà mỗi ngân hàng có phân bố hạn mức cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay khác nhau. Ngoài ra, tổng số tiền đó cũng sẽ được chia theo khung thời gian khác nhau, hạn chế trường hợp đầu năm và giữa năm cho vay ào ạt, đến cuối năm thì cạn room tín dụng.
Cạn room tín dụng là khi các ngân hàng cho đã cho vay gần hết số tiền tối đa mà ngân hàng được phép. Khi ấy, các ngân hàng sẽ áp dụng hai giải pháp hoặc là đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới rộng room tín dụng, hoặc là sẽ siết chặt hoạt động cho vay. Tuy nhiên, việc nới room tín dụng là điều không dễ vì các ngân hàng phải xin phép từ Ngân hàng Nhà nước và việc phê duyệt cần phải dựa trên nhiều yếu tố vĩ mô khác. Do vậy, các ngân hàng thường sẽ chủ động điều chỉnh trong hạn mức mà mình cho phép và một trong những giải pháp an toàn nhất là thu hẹp hoạt động cho vay.
Room tín dụng ảnh hưởng tới khách hàng cá nhân như thế nào?
Trong trường hợp phải hạn chế hoạt động cho vay vì cạn room tín dụng, nhiều ngân hàng thường có xu hướng siết chặt hoạt động cho vay cá nhân hơn hoạt động cho vay doanh nghiệp. Thậm chí, tại một số ngân hàng, khi room tín dụng còn nhiều thì khách hàng thuộc nợ xấu nhóm 2 vẫn có thể vay tiền một cách dễ dàng. Tuy nhiên khi room tín dụng có dấu hiệu cạn và không nới thêm được, những khách hàng này sẽ bị từ chối cho vay. Ngay cả với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng mà dễ nhận thấy nhất là hạn mức vay sẽ bị cắt giảm.
Trong trường hợp anh Đ.G.T, anh cũng còn một số lựa chọn. Đầu tiên có thể tìm kiếm cơ hội vay ở các ngân hàng khác còn room tín dụng bởi nếu anh có lịch sử tín dụng tốt được ghi nhận tại CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam) thì các ngân hàng cũng sẽ dễ duyệt vay hơn. Nếu các ngân hàng khác không cho vay, anh có thể tìm kiếm cơ hội vay tín chấp từ các công ty tài chính thuộc Ngân hàng Nhà nước...
Khách hàng, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, đều không thể trực tiếp tác động đến room tín dụng của mỗi ngân hàng nên việc họ cần làm là duy trì lịch sử tín dụng tốt và chuẩn bị các phương án tài chính dự phòng.