Các nhà phân tích coi hiệp định này là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây, và sẽ lớn hơn nhiều khi RCEP sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, báo hiệu một sự thay đổi lớn về địa chính trị trong khu vực. 15 quốc gia thành viên RCEP, bao gồm 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần một phần ba dân số toàn cầu và khoảng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Hiệp định đang đi đến đích trong bối cảnh các nước ASEAN và một số nước đối tác được coi là thành công hơn trong việc chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19, củng cố thêm cho sự dịch chuyển ngày càng về phía đông của trung tâm tài chính toàn cầu. Hiệp định RCEP có điểm tương đồng rõ ràng về tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn được kỳ vọng ký kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm tạo cho Washington ưu thế trong việc viết ra các quy tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện nay, đang phải đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh Covid-19. Trong thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu đang khao khát sự ổn định - cả về hệ thống chính trị và triển vọng kinh tế, RCEP mang lại tín hiệu lạc quan cho Châu Á-Thái Bình Dương.
RCEP được cho là có sức ảnh hưởng đến động thái của các khối thương mại quan trọng khác. Chẳng hạn như, Liên minh châu Âu và Trung Quốc gần đây đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về Chỉ dẫn địa lý và đang nỗ lực để ký kết thỏa thuận thương mại song phương quan trọng nhất giữa hai bên từ trước đến nay, Hiệp định Toàn diện EU-Trung Quốc về Đầu tư (CAI). Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tin rằng có thể trở lại bình thường với chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ mới nếu ông Joe Biden chính thức là tổng thống Mỹ và hướng tới hợp tác về biến đổi khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và tự do hóa thương mại một lần nữa.
Nhưng đối với tất cả những vấn đề này, có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để khắc phục những thiệt hại trong thời gian qua và điều này sẽ khiến kết quả của các cuộc đàm phán mới trở nên ít tham vọng hơn. Như Thủ tướng Cộng hòa Séc Babis đã phát biểu vào ngày 11/11 trong một hội nghị về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, rằng một "chủ đề rất quan trọng đối với toàn bộ châu Âu và EU là nhu cầu cấp thiết phải cải thiện mối quan hệ thương mại”. Đó là nỗ lực để tự do hóa mối quan hệ thương mại lẫn nhau và không cần phải tham vọng và toàn diện như hiệp định đã bị bỏ lỡ như TTIP (Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương), mà là thương mại và đầu tư lẫn nhau giữa Mỹ và Châu Âu sẽ bắt đầu khởi sắc trở lại.
Theo cách này, RCEP có thể là động lực cho các hiệp định thương mại song phương và đa phương quy mô lớn hơn nữa. EU đã là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và của các đối tác RCEP. Do đó, khi RCEP được hoàn tất thì càng có nhiều lý do để thúc đẩy các thỏa thuận của EU nhằm tận dụng cơ hội ở Đông Á. Với ý nghĩa đó, RCEP đại diện cho một bước ngoặt lớn trong thương mại toàn cầu và được coi là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại.