Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nhằm mục tiêu giải quyết các vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, để khơi thông, thúc đẩy nguồn lực trong xã hội, trong tháng 5/2021, Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Những bất cập trong thực thi chính sách đang gây cản trở cho doanh nghiệp |
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội và hội nhập sâu rộng của đất nước, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh theo ông đã có bước hoàn thiện như thế nào?
Trải qua 30 năm đổi mới, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các thành phần kinh tế ngày càng củng cố, hoàn thiện. Có thể nói cho đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tương đối đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đất nước và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hệ thống pháp luật hiện hành đang tiếp tục được hoàn thiện và được coi là một nhiệm vụ chiến lược, khâu đột phá quan trọng để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật chúng ta còn đang gặp phải nhiều những bất cập, đó là: Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, lợi ích trong xây dựng pháp luật, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Những bất cập đó đã dẫn tới hạn chế cho sự phát triển của thị trường, quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, một số quyền sở hữu tài sản chưa được đảm bảo thực thi nghiêm minh, nhiều loại tài sản chưa có cơ chế đăng ký, chưa được vốn hóa trên thị trường. Vì vậy, đang gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Trước những hạn chế và tồn tại, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và phân công cụ thể cho các bộ ngành. Hoạt động này được kỳ vọng ra sao để giúp doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa ông?
Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Việc bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, thực hiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ động yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phát hiện, xử lý kịp thời triệt để các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, không còn phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời sớm có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp Hiến pháp, pháp luật yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đó, việc đề xuất danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và phân công cụ thể cho các bô ngành chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện của Bộ Tư pháp lần này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Kỳ vọng rằng, trên cơ sở rà soát, kiến nghị của Bộ Tư pháp, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có những chỉ đạo, yêu cầu các Bộ ngành sớm bắt tay ngay vào nghiên cứu, sửa đổi hoặc bãi bỏ để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách cho doanh nghiệp.
Một số đề xuất, theo ông, từ Trung tâm để hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động?
Theo tôi, để hệ thống pháp luật về kinh doanh ngày càng hoàn thiện, đầy đủ tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển chúng ta cần tiếp tục tạo sự thống nhất trong nhận thức về quan điểm, tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cần lựa chọn những lĩnh vực thể chế, pháp luật mà doanh nghiệp hiện nay đang vướng mắc, để tiến hành hoàn thiện, sửa đổi trước. Cụ thể, như thể chế về sở hữu, đất đai, sở hữu trí tuệ, đầu tư công…, đây là những vấn đề nổi cộm, cần tháo gỡ trước để tạo động lực cho sự tăng trưởng; tăng cường năng lực thực thi pháp luật trong cả những người thừa hành công vụ và đối tượng bị quản lý. Đồng thời, thúc đẩy mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến góp ý và tạo cơ chế để cộng đồng doanh nghiệp góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách thực chất, hiệu quả.
Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch covid 19, việc thực hiện rà soát các văn bản pháp luật quy định về đầu tư, kinh doanh được coi là tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thời gian qua, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo nên nhiều cơ hội và động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị tâm thế tham gia vào sân chơi lớn hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn rất lớn do đại dịch Covid-19 tác động đến người dân và doanh nghiệp, việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh sẽ tạo cơ hội rất lớn để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vượt qua khó khăn, thoát khỏi khủng hoảng.
Vì vậy, trước giai đoạn nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay do dịch bệnh, thiết nghĩ sóng cải cách cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong cả tư duy và hành động ở các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; đồng thời phải thực hiện quyết liệt và thực chất, xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, lấy phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để làm thước đo đánh giá mức độ cải cách.
Xin cảm ơn ông!
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.