Cuốn sách “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” là một công trình thông sử tư tưởng độc đáo và giá trị của học giả kiêm nhà Hán học Anne Cheng (Trình Ngải Lam). Với cả cha và mẹ đều là nguời gốc Trung Quốc, nhưng tác giả Anne Cheng (sinh năm 1955) sinh ra, lớn lên tại Pháp; bà có bằng Tiến sĩ Hán học năm 27 tuổi nhưng trước đó đã được đào luyện trong môi trường giáo dục về khoa học cổ điển và nhân văn châu Âu.
Đến nay, sau hơn nửa cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy, Anne Cheng đang là một học giả uy tín hàng đầu ở Pháp và đang giữ vị trí Giáo sư chủ trì trong lĩnh vực trí thức Trung Quốc tại College de France. Trong các công trình nghiên cứu của bà, tác phẩm để lại dấu ấn đậm nhất là cuốn “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc”, trở thành sách gối đầu giường của không ít các nhà nghiên cứu và nhiều thế hệ sinh viên các nước.
Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997) và Viện Hàn lâm khoa học Đạo đức và Chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998).
Cuốn sách được đón nhận một cách nồng nhiệt không chỉ trong cộng đồng Pháp ngữ (tái bản vào các năm 2002, 2014) mà còn được được chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng (Ý, Rumani, Bungari, Tây Ban Nha, Séc, Bồ Đào Nha, Nhật, Ả Rập, Trung Quốc). Ấn bản tiếng Việt do Omega Plus xuất bản là ngôn ngữ thứ 10, bản tiếng Đức sẽ ấn hành tháng 5/2022 tới đây.
Theo tác giả thì cảm hứng để bà viết cuốn sách này được bắt nguồn từ tinh thần cả phê phán lẫn thấu cảm đứng từ góc độ của cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Công trình này cơ bản chỉ mang tính gợi dẫn, không có chủ ý mang đến một lượng tri thức như là các chân lý định sẵn mà hy vọng khơi dậy tâm lý tò mò và hứng thú cho người đọc: đó là những “chìa khóa”, những cuốn sách có giá trị và hữu ích đối với độc giả nhằm giúp cho họ tôi rèn được “chìa khóa” của riêng mình.
Vì vậy, nhìn vào cấu trúc của cuốn sách, người ta sẽ thấy rằng đây là một bộ sách về tư tưởng Trung Quốc được trình bày theo tuyến lịch sử hơn là một bộ sách lịch sử viết về lĩnh vực tư tưởng, tức là bộ sách có dáng dấp một tác phẩm triết học hơn là một tác phẩm sử học, mặc dù cả hai bình diện đều có dấu ấn đậm nét.
Với việc bổ sung một bản dịch sách “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” của Anne Cheng, độc giả tiếng Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã xuất bản trước đây.
Nội dung cuốn “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” được chia thành 6 phần, 22 chương; trình bày và thảo luận về lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX. Cuốn sách cung cấp một góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông – Tây
Không những vậy bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật. Các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
Trong tương quan so sánh về dung lượng với nhiều cuốn sách về thông sử tư tưởng Trung Quốc xuất bản vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, cuốn sách “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” có độ dày ở mức trung bình (bản dịch tiếng Việt với 684 trang). Đó là một dung lượng vừa phải, không quá ngắn gọn đến mức quy giản, cũng không quá đồ sộ đến mức nặng nề.
Đây cũng là một lợi thế cho việc tiếp nhận của độc giả. Lớp độc giả phổ thông sẽ nhận biết được lịch sử tư tưởng Trung Quốc một cách toàn diện, bao quát; còn giới độc giả hàn lâm cũng tìm kiếm được nhiều thông tin hữu ích với một độ sâu vừa phải để không quá sa đà vào những chi tiết vụn vặt.
Một cuốn sách khoa học được coi là đạt khi nó có gì đó đọng lại trong độc giả sau khi đọc; một cuốn sách thành công thì còn gợi hứng cho độc giả tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về những điều ẩn giữa hai dòng chữ. Học giả Anne Cheng đã làm được cả hai điều qua cuốn sách này. Bà không chỉ cung cấp kiến thức cho độc giả bằng cách xâu chuỗi các vấn đề trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, mà nhiều chỗ còn khơi dậy được sự tò mò trong lòng những độc giả yêu mến tri thức để có thể tự tìm hiểu thêm.