Làm rõ nguyên nhân các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiệnHoạt động kiểm toán giúp địa phương nâng cao năng lực quản lý về xây dựng |
Một trong những giá trị đóng góp quan trọng nhất của Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán là những kết luận và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
"Kênh thông tin" quan trọng trong quá trình đánh giá, xây dựng quy định pháp luật
Song song với việc thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính thì việc thực hiện các kiến nghị về sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng và góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Thông qua số liệu Kiểm toán nhà nước báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách phục vụ Phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận và kiến nghị Kiểm toán nhà nước diễn ra mới đây, chúng tôi nhận thấy giá trị của những kiến nghị liên quan đến việc đề nghị các đơn vị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý rất quan trọng".
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” |
Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán theo 3 loại hình: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Kiểm toán tài chính là kiểm toán để xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin số liệu, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính liên quan đến ngân sách nhà nước. Kiểm toán tuân thủ để đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật. Kiểm toán hoạt động đánh giá vấn đề hiệu quả, hiệu lực trong vấn đề quản lý, sử dụng nguồn lực. Trong 3 nhóm loại hình đều có quy định pháp luật có liên quan. Các kết luận, kiến nghị về sửa đổi văn bản cũng theo những luồng đó, nhất là liên quan đến sửa đổi những quy định về kế toán, chế độ kế toán, những văn bản pháp luật phục vụ thực hiện chức năng các loại hình này, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện rất nhiều nội dung mà các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần thiết phải xem xét, xử lý.
Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Kiểm toán nhà nước với mục đích cao nhất là kiểm tra, đánh giá, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, những kiến nghị cụ thể về xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước rất quan trọng. Thông qua hoạt động kiểm toán, những kết quả của Kiểm toán nhà nước có thể chỉ ra cho Nhà nước thấy được những bất cập, hạn chế về toàn bộ hệ thống luật pháp, chính sách.
"Thông tin của Kiểm toán nhà nước cung cấp cho các đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội những thông tin cụ thể mang tính pháp lý trong quá trình xem xét, rà soát, thẩm tra, đánh giá việc xây dựng quy định pháp luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn ngay từ khâu xây dựng luật" - ông Thanh khẳng định.
Theo ông Thanh, kết quả kiểm toán cũng được sử dụng rất nhiều trong quá trình tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc trực tiếp tại các địa phương, trao đổi, thảo luận với các đơn vị đã sử dụng những kết luận, kiến nghị Kiểm toán nhà nước về sửa đổi chính sách - đây là một phần nội dung quan trọng để thấy rõ hơn căn nguyên của những vấn đề còn tồn tại.
"Khi sử dụng một cách phối hợp, đối chiếu, kết nối với nhau để nhìn trên một diện rộng thì những kết quả của Kiểm toán nhà nước mang lại hiệu quả rất tích cực" - ông Thanh nói.
Thông qua hoạt động kiểm toán, những kết quả của Kiểm toán nhà nước có thể chỉ ra cho Nhà nước thấy được những bất cập, hạn chế về toàn bộ hệ thống luật pháp, chính sách |
Tăng tính quyết liệt, đồng bộ để tháo "nút thắt"
Theo thông tin từ Kiểm toán nhà nước, qua 29 năm hoạt động, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế đối với hàng nghìn văn bản. Riêng trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2018 - 2022), Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị khoảng 870 văn bản pháp luật và văn bản quản lý, đơn cử như: Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật đối tác đầu tư…
Tuy nhiên, mức độ thực hiện những kiến nghị này vẫn còn những hạn chế nhất định, số lượng văn bản chưa thực hiện còn khá nhiều. Tính đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, có gần 700 kiến nghị về cơ chế, chính sách vẫn còn treo, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ cho phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước, thực trạng này có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc xây dựng, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật phải theo quy trình nhất định, cần các bước xem xét, rà soát chi tiết và có thủ tục theo quy định để sửa chữa, do đó cần nhiều thời gian thực hiện, dẫn đến số lượng văn bản tồn còn nhiều.
Thứ hai, vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách có thể có nhiều quan điểm tiếp cận, nhiều ý kiến trái chiều và những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ là một trong nhiều ý kiến; đồng thời, đó chỉ là những ý kiến liên quan đến vấn đề cần xử lý về mặt tài chính, ngân sách, một phần nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý. Vì vậy, có thể tại thời điểm kiến nghị, các cơ quan liên quan chưa thể sửa đổi ngay được mà phải rà soát, tổng hợp rất nhiều vấn đề khác trong quá trình xử lý vướng mắc để có thể thực hiện sửa đổi tổng thể.
Để khắc phục những vấn đề trên, theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh nên rà soát lại những quy định mang tính pháp lý hiện nay trong Luật kiểm toán, đảm bảo tính hiệu lực. Đặc biệt là vị thế của kiểm toán, vai trò chức năng của kiểm toán, trách nhiệm và quyền hạn, và một số vấn đề liên quan đến phân quyền cũng như giao trách nhiệm, thẩm quyền cho kiểm toán cần được xác lập lại một cách rõ hơn.
"Những văn bản đã được quy định thì phải sớm đưa vào cuộc sống, đặc biệt là pháp lệnh về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Cùng với đó, cần thực hiện nhiều biện pháp khác với sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị. Như vậy mới có được nền tài chính quốc gia ngày càng lành mạnh, công khai, minh bạch" - vị PGS,TS nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc rà soát, xem xét, giải quyết những văn bản quản lý hoặc văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các bộ, các địa phương còn thiếu tính quyết liệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Nam, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn, quyết liệt hơn trong vấn đề này. Cơ quan Quốc hội cũng sẽ tăng cường giám sát để đẩy mạnh việc thực hiện kiến nghị; yêu cầu các đơn vị được kiểm toán phải nghiêm túc thực hiện, việc nào thuộc phạm vi thẩm quyền phải xem xét giải quyết trước; việc nào thuộc về quy trình, quy chuẩn hoặc phải báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền thì cũng phải có phương án chuẩn bị.
"Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến việc xem xét, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt do các chính sách dẫn đến việc không thể tổ chức thực hiện trong thực tiễn… Chính vì thế, những kết luận, kiến nghị kiểm toán có giá trị bắt buộc phải được thực hiện, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả để giúp khơi thông những điểm nghẽn về mặt chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới" - ông Nam khẳng định.