Cùng tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành
Sau khi lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, nhất là việc triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”, tận dụng “thời điểm vàng” trong phòng chống dịch |
Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận công tác cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm, đã dự trữ nhiều hơn 4-5 lần so với bình thường, đồng thời, các địa phương cũng đã xử lý nghiêm vi phạm các quy định về khai báo y tế, cách ly cũng như tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Một lần nữa nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”.
“Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của tất cả hệ thống của chúng ta” – Thủ tướng nói.
Với quan điểm đó, Thủ tướng đề nghị, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp, riêng cho từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư. Trong đó cần ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải…
Các địa phương tiếp tục thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh. Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) vào ra Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp.
Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, bổ sung năng lực y tế của thành phố về nhân lực, trang thiết bị, về con người, khả năng cung ứng dịch vụ và khả năng huy động tại chỗ, Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.
Nhắc lại câu “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Thủ tướng cho rằng, trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tất công giặc, lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, đến từ nhiều hướng và vì vậy, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận.
Không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành, các thành phố đã báo cáo tình hình phòng chống dịch, khẳng định sẽ triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Cụ thể, đại diện cho Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương với tinh thần chủ động, quyết liệt. Trong đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương và nhà phân phối lớn thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu, thực hiện kết nối sản xuất - phân phối khẩu trang vải và khẳng định trước Chính phủ, chúng ta đủ khả năng đảm bảo nhu cầu sử dụng khẩu trang vải cho người dân phục vụ phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương và nhà phân phối lớn thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu, thực hiện kết nối sản xuất - phân phối khẩu trang vải… các địa phương không có phản ánh về hiện tượng khan hiếm hàng hóa và không có kiến nghị cụ thể liên quan đến Bộ Công Thương |
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, từ tổng hợp ý kiến và tổng hợp số liệu của các địa phương cho thấy, tình hình cung ứng và dự trừ hàng hoá cơ bản đáp ứng yêu cầu. Điên hình như TP. Hà Nội có lượng dự trữ hàng hóa tăng 300%- 500% trong khi các địa phương khác không có phản ánh về hiện tượng khan hiếm hàng hóa và không có kiến nghị cụ thể liên quan đến Bộ Công Thương.
Trong khi đó, các địa phương báo cáo, tại các khu cách ly tại 5 thành phố lớn, cán bộ, chiến sỹ, nhân viên đều khẳng định tinh thần làm việc cao nhất vì cộng đồng, vì người dân, bảo đảm an toàn cho công dân. Điển hình, theo cán bộ tại khu cách ly ở TP. Đà Nẵng, khu cách ly có nhiều đối tượng, như: sinh viên, người lớn tuổi, trẻ em, tu sĩ nhưng cán bộ, chiến sĩ đều cố gắng đáp ứng yêu cầu của công dân. Còn đại diện lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly TP. Cần Thơ cho biết, bà con đánh giá cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ và khẳng định bảo đảm chăm lo tốt đời sống cho bà con, luôn ân cần phục vụ người cách ly.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố khẳng định, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Riêng với trường hợp bệnh viện Bạch Mai, ngay sau khi phát hiện những trường hợp lây nhiệm bệnh từ bệnh viện Bạch Mai, Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý. Cụ thể, sau khi xác định các trường hợp dương tính với Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại đây về các tỉnh thành miền Bắc, trong đó TP. Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Đến nay, TP. Hà Nội cũng đã xác minh được toàn bộ người thân của gần 1.600 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch TP. Hà Nội đánh giá Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố của một “ổ dịch” diễn biến hết sức phức tạp, do đó, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở; đề xuất cung cấp các bộ test nhanh để Hà Nội xét nghiệm nhanh trên diện rộng, ưu tiên khu vực xung quanh bệnh viện Bạch Mai...