Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi tới hệ thống quỹ tín dụng nhân dân Quỹ tín dụng nhân dân Bắc Giang: Nguồn vốn đồng hành cùng sự phát triển |
Giải pháp “dẫn” vốn an toàn, hiệu quả
Hiện nay, trên cả nước có 1.181 quỹ tín dụng nhân dân với số vốn điều lệ khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố với trên 1.500 điểm giao dịch nhận tiền gửi. Những năm gần đây, quỹ tín dụng nhân dân được coi là một kênh dẫn vốn hiệu quả trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi để cho các hộ nông dân ở khu vực nông thôn vay phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm. Qua đó, quỹ tín dụng nhân dân đã ngày càng khẳng định được vai trò “tương thân tương ái”, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông thôn.
Quỹ tín dụng nhân dân |
Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tuy có quy mô nhỏ nhưng đem lại hiệu quả sử dụng vốn tốt. Tính đến 30/6/2022, chỉ số tỷ suất sinh lời của quỹ tín dụng nhân dân cao hơn so với hiệu quả sinh lời trong hệ thống. Nếu xét chỉ số tỷ suất sinh lời trên mỗi đồng tài sản (ROA) thì quỹ tín dụng nhân dân đạt 0,38%, xếp thứ 4 toàn hệ thống. Trong khi đó, chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt 5,84%, xếp thứ 2 toàn hệ thống.
Loại hình TCTD | ROA | ROE |
(1) | (2) | (3) |
NHTM Nhà nước | 0,33 | 5,87 |
Ngân hàng Chính sách xã hội | 0,57 | 3,22 |
NHTM cổ phần | 0,51 | 5,67 |
NH Liên doanh, nước ngoài | 0,23 | 1,72 |
Công ty tài chính, cho thuê | 0,60 | 3,14 |
Ngân hàng Hợp tác xã | 0,12 | 1,53 |
QTDND | 0,38 | 5,84 |
Toàn hệ thống | 0,41 | 4,87 |
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |
Với đặc thù nằm trong địa bàn “gần dân, sát dân”, quỹ tín dụng nhân dân hiểu nhu cầu và tình hình tài chính, khả năng chi trả cũng như uy tín của khách hàng vay. Chính điều này đã giúp các quỹ tín dụng nhân dân có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của khách hàng khu vực nông thôn, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Nhờ đó, có thể thấy quỹ tín dụng nhân dân được xem là tổ chức hoạt động tài chính quy mô nhỏ thuận lợi và tạo được hiệu quả về kinh tế - xã hội tốt trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
“Cầu nối” chính sách – Gia tăng niềm tin người gửi tiền khu vực nông thôn
Những năm gần đây, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định đối tượng công chúng mục tiêu trong chiến lược tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi. Tham gia sâu hơn vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân cũng là nhiệm vụ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước giao trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Do vậy, công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tới người gửi tiền ở các quỹ tín dụng nhân dân không còn là yêu cầu nghiệp vụ thông thường, mà là nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời gian tới.
Trong quá trình đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi lan tỏa tới người gửi tiền ở khu vực nông thôn, miền núi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã triển khai đồng bộ qua nhiều kênh truyền thông khác nhau với những cách thức truyền tải trực tiếp và gián tiếp. Ngoài những phương tiện thông tin đại chúng như website, báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình…, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực tìm ra hướng tiếp cận phù hợp với người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa thông qua kênh kết nối là quỹ tín dụng nhân dân. Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động lồng ghép tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi trong các sự kiện thường niên của quỹ tín dụng nhân dân để chia sẻ thông tin tới người gửi tiền. Với những nội dung đổi mới, thiết thực được truyền tải gần gũi, dễ hiểu đã và đang tiếp tục mang lại những hiệu ứng tích cực trong nhận thức của người dân tại khu vực nông thôn, miền núi về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Đoan Hùng |
Có thể nói, chính sách bảo hiểm tiền gửi là một mắt xích không thể thiếu trong chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần tác động tới người gửi tiền và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân – đối tượng dễ bị tổn thương do thiếu thông tin, kiến thức tài chính – ngân hàng. Vì vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định phạm vi nội dung tuyên truyền sẽ mở rộng không chỉ riêng chính sách bảo hiểm tiền gửi mà còn là những thông tin, kiến thức thiết thực về hoạt động ngân hàng, chủ trương, chính sách tiền tệ nói chung, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến người gửi tiền. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng nghiên cứu, xây dựng các phương án, kịch bản tuyên truyền để áp dụng trong từng thời điểm, giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân.
Với mục tiêu cốt lõi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ như công tác kiểm tra, giám sát và tham gia xử lý, kiểm soát đặc biệt quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề nhằm phát hiện kịp thời những yếu kém, sai phạm để kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp chấn chỉnh, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Thời gian tới, để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao năng lực nghiệp vụ, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý những quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, đồng hành với quỹ tín dụng nhân dân giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi.