Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) của IMF, năm 2020, Việt Nam đã đạt kết quả kinh tế khả quan hơn so với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Kết thúc năm, GDP Việt Nam tăng 2,9%. Báo cáo này cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển trên, đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% và 7,2% lần lượt trong năm 2021 và 2022. Tổ chức này khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.
IMF cũng dự báo nhóm 5 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng của đại dịch và đạt mức tăng trưởng GDP 4,9% trong năm 2021 và 6,1% trong năm 2022.
Quỹ tiền tệ cũng ước tính tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022. Đây là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu so với mặt bằng chung của thế giới.
Cũng trong cuộc họp cùng 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/4, IMF cho biết việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán ở mức 6%, cao hơn mức dự báo 5,5% hồi tháng 1, cho thấy viễn cảnh lạc quan hơn cho một số quốc gia phát triển, điển hình như Mỹ.
Báo cáo chỉ ra: "Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập. Tốc độ này phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố trong nền kinh tế, điển hình như sự phụ thuộc vào du lịch".
Tuy nhiên, IMF cảnh báo các nền kinh tế tại những thị trường mới nổi đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến. Đại dịch đang đe dọa xóa đi nhiều năm nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu.
IMF cho rằng các chính phủ nên tiếp tục tập trung vào "việc thoát khỏi khủng hoảng COVID-19" bằng cách cung cấp hỗ trợ tài khóa. Ở giai đoạn 2, các nhà quyết sách sẽ cần phải hạn chế những thiệt hại kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và gia tăng đầu tư công, IMF nhận định.
Phát biểu tại sự kiện trên, tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia giàu có hơn cùng chung tay, đảm bảo các nước thu nhập thấp có thể thực hiện chương trình tiêm chủng COVID-19 vì tương lai của toàn thế giới.
“Chúng ta không cách nào vượt qua đại dịch này nếu không đi cùng nhau”, bà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số định chế tài chính lớn quốc tế cũng đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Ngân hàng United Oversea Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%.
Một trong những phương án đang được cân nhắc là mở rộng quỹ dự trữ của IMF thông qua Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF tạo ra, có vai trò bổ sung cho dự trữ tiền của các quốc gia thành viên.
Theo Hãng tin Reuters, các lãnh đạo tài chính của G20 sẽ ủng hộ kế hoạch tái phân bổ 650 tỉ USD thông qua SDR để hỗ trợ các nước chịu tác động nặng nhất từ COVID-19.