Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020, đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Với mục tiêu hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, phân tích làm rõ những cam kết trong Hiệp định, từ đó đưa ra những gợi ý cần thiết về chiến lược kinh doanh, pháp lý… cho doanh nghiệp.
Theo đó, Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, và chiếm 32% GDP toàn cầu. Hiệp định hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam có thể kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu so với các FTA khác.
Dệt may được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn từ RCEP |
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp cần phải lưu ý một số thách thức mà RCEP có thể mang lại. Cụ thể, RCEP tạo ra một môi trường thông thoáng hơn so với các FTA Việt Nam đã tham gia, nhưng cùng với đó cũng đặt ra yêu cầu về việc giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ hơn. Chính bởi vậy, doanh nghiệp cần phải hiểu đúng quy định để vận dụng sao cho hiệu quả. Đồng thời, tận dụng tối đa các ưu đãi về quy tắc xuất xứ được đánh giá là tương đối “dễ thở” của RCEP, nếu so với các hiệp định khác.
Tại Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều ngành hàng xuất của Việt Nam nhờ quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác, điển hình nhất là các mặt hàng dệt may, nông thủy sản.
Thủy sản cũng được đánh giá là mặt hàng được hưởng lợi từ RCEP |
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Từ đó, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Ông Trần Ngọc Bình chia sẻ thêm, hiện tất cả thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác.
Tuy nhiên, Hiệp định RCEP lại mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Cụ thể, với hàng dệt may, trong khi các hiệp định thương mại tự do trước đó giữa Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn. Nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan.
Với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.
Tương tự, với hàng thủy sản, các hiệp định như VJFTA, AJCEP đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống từ bất cứ đâu, hoặc con giống được nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cũng đã có phần trình bày các nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ được quy định trong RCEP. Đồng thời, đi sâu vào phân tích, làm rõ những điểm mới khác biệt về quy tắc xuất xứ của RCEP so với các FTA Việt Nam đang thực thi với các mặt hàng cụ thể của Việt Nam vốn có lợi thế khi RCEP được thực thi như dệt may, thủy sản chế biến…