Sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh: Tín hiệu tích cực trong khó khăn Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2023 của Bắc Ninh giảm |
Công nghiệp chế biến chế tạo giảm sâu
Số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, tính riêng trong tháng 3/2023, IIP toàn tỉnh giảm tới 32,69 so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này khiến IIP quý I/2023 của địa phương giảm tới 18,67%.
Quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh giảm tới 18,67% |
Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh – ông Vũ Minh Giang đánh giá: Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây. Điều này cũng phản ánh phần nào bức tranh sản xuất công nghiệp còn ảm đạm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được phân tích là các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh đều bị sụt giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng giảm; đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng điện tử, may mặc.
Bên cạnh đó, năng lực nội tại của doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn vật tư… khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, giãn giờ làm... Các FTA thế hệ mới trên thực tế chưa mở rộng được thị trường mới để đem lại hiệu quả cho hàng hóa xuất khẩu.
Điều đáng nói, công nghiệp chế biến chế tạo lâu nay được đánh giá là thế mạnh của Bắc Ninh nhưng trong tháng 3/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành này giảm 23,56% so với cùng kỳ năm trước. Tới 14/19 ngành sản xuất có mức tiêu thụ giảm, như: Sản xuất và chế biến thực phẩm (-8,49%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-20,61%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-27,46%) ...
Tính chung quý I/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, 15/19 ngành có chỉ số bị giảm, trong đó ngành công nghiệp trọng điểm sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 10,73%.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, chi phí đầu vào cho nhiều ngành sản xuất trên địa bàn Bắc Ninh vẫn đang ở mức cao; trong khi đó tổng cầu thế giới ở mức thấp, làm giảm các đơn đặt hàng, đây là thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.
Những hệ lụy phát triển kinh tế - xã hội
IIP quý I/2023 giảm đã kéo tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tỉnh Bắc Ninh giảm nhiều nhất kể từ năm 2019 đến nay (trái ngược với kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 theo kịch bản thấp dự kiến quý I/2023 tăng 6,3%).
Điều này cũng tác động đáng kể đến việc làm cũng như chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp.
Lãnh đạo Cục Thống kê Bắc Ninh cho hay, tại thời điểm ngày 1/3/2023 chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng nhẹ (+0,35%) so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước lại giảm 8,67%.
Tính chung quý I/2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 8,51% so với cùng kỳ; trong đó, lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm nhiều nhất 9,38% đã tác động trực tiếp, làm giảm quy mô lao động chung của các doanh nghiệp công nghiệp; tiếp theo là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lao động (-6,17%); doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô lao động (-3,08%).
Nhận định về tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh, ông Vũ Minh Giang chia sẻ: Ở trong nước, do có độ mở lớn nên nền kinh tế cũng chịu tác động đan xen bởi tình hình thế giới phức tạp, khó lường. Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát rất lớn, nhất là biến động giá, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn tác động từ thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Trong tỉnh, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, việc thu hút các suất đầu tư lớn nhằm tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh năm 2023 chưa rõ nét...
Do đó, giải pháp tỉnh Bắc Ninh đặt ra cần thực hiện trong các quý tiếp theo của năm 2023, đó là: Tăng cường công tác phân tích dự báo; chủ động với các tình huống diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước nói chung do kinh tế của tỉnh hiện nay có độ mở lớn, kịp thời quyết liệt trong xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề đột xuất phát sinh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải quyết triển khai nhanh có hiệu quả những điểm nghẽn lớn hiện nay trong đầu tư công, phân bổ, giải ngân nguồn vốn hiệu quả thúc đẩy cho kinh tế của tỉnh; thu hút được các suất đầu tư lớn để tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh.
Đồng thời tập trung, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của tỉnh về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển bền vững;
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần cải thiện mô hình kinh doanh, tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới.