Theo TS. Trần Hồng Quang – Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT): Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch (2017). Đây là quy hoạch mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm: Đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
“Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước” – TS. Trần Hồng Quang thông tin.
Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 (Ảnh MPI) |
Với vai trò, vị trí như vậy, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia rất cần được cấp có thẩm quyền cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia… trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy hoạch. Đó cũng là lý do, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề lớn, mục tiêu của quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để lập các quy hoạch khác. Việc hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu năm 2025, 2030, 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát tổng quát của Quy hoạch tổng thể quốc gia là, kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị |
Cùng với đó, 6 quan điểm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng được đề cập, bao gồm: Thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của quốc gia, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia. Thứ 2, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, đặc thù của mỗi vùng, địa phương, hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả. Thứ 3, phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng, bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường... Thứ 4, tổ chức không gian phát triển quốc gia gắn hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển dài hạn. Thứ 5, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và trên các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn. Thứ 6, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, Bộ KH&ĐT dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực. Trong đó, về phát triển hành lang kinh tế, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hàng lang kinh tế Đông – Tây. Còn về các vùng trọng điểm, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, sẽ lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế hợp hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
Để xây dựng Định hướng Quy hoạch quốc gia, Bộ KH&ĐT đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương, tham khảo kinh nghiệm lập quy hoạch không gian của các nước, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam. |