Sau năm 2030, Thái Bình dự kiến sẽ có sân bay, tuyến đường sắt và phân tách thành 3 vùng phát triển Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn 2050: 8 điểm nhấn tạo động lực cho phát triển |
Tham dự hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Thái Bình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nội dung quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược đã cụ thể hóa khát vọng đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Tỉnh cam kết đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Thái Bình trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Tỉnh có nhiều lợi thế phát triển về vị trí địa lý, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Công tác xây dựng nông thôn mới được đầu tư bài bản, nghiêm túc.
Bên cạnh đó, tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp là người con Thái Bình luôn hướng về quê hương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, thống nhất cao. Với những tiềm năng, điều kiện thuận lợi đó, Phó Thủ tướng kỳ vọng, tỉnh sẽ bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn của Thái Bình như điều kiện hành lang pháp lý; cạnh tranh với các địa phương lân cận, nhất là về thu hút vốn đầu tư FDI… Trên tinh thần đồng tình với 3 khâu đột phá then chốt, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 trụ cột tăng trưởng Quy hoạch tỉnh đã đề ra, Chính phủ sẽ đồng hành cùng địa phương vì sự bình yên và phát triển của Thái Bình trong tương lai.
Để thực hiện thành công quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ, gồm: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu. Trong đó, tuân thủ những định hướng mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra cùng với các nhóm giải pháp thực hiện; linh hoạt trong thực hiện, nhất là trong những trường hợp cá biệt cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp; quy hoạch được phê duyệt đồng bộ với hệ thống quy hoạch ở cấp dưới và những kế hoạch, đường hướng, mục tiêu cụ thể...; thấu hiểu là nắm rõ, hiểu rõ về Quy hoạch để có thể tuân thủ thực hiện, linh hoạt và đồng bộ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận hợp tác cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Quyết tâm thực hiện khát vọng đưa Thái Bình phát triển
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, quy hoạch tỉnh được xây dựng công phu, khoa học, có tầm nhìn với quyết tâm, khát vọng to lớn và sự đột phá trên tinh thần kế thừa những thành quả của nhiều nhiệm kỳ, thế hệ cán bộ, đảng viên, thành viên trong hệ thống chính trị, đội ngũ doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đạt được.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để định hướng phát triển, thực hiện khát vọng vươn lên của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Việc Quy hoạch tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Để quy hoạch đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn nhiều những nhiệm vụ nặng nề và thách thức to lớn đang ở phía trước đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa với quyết tâm cao hơn nữa. Với tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung:
Thứ nhất, khẩn trương phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch tỉnh; cung cấp kịp thời những thông tin về Quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh; thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Chỉ đạo khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là các quy hoạch về đất đai, xây dựng... bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa, trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá phát triển mang tính then chốt Quy hoạch tỉnh đề ra.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ năm, khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng quê hương Thái Bình; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.