Theo phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Đà Nẵng, tổng diện tích khoảng 129.046ha. Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng xác định Đà Nẵng là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về công nghiệp, thương mại |
Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng khoảng 1,79 triệu người, trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người. Đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 31.836ha, đến năm 2045 khoảng 35.054ha.
Mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía tây và phía Bắc, Khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.
Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế gồm Vành đai phía Bắc là vành đai "Công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics"; vành đai phía Nam là vành đai "Đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Đà Nẵng sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực, bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung gồm cụm công nghiệp công nghệ cao; cụm cảng biển và logistics; cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cụm đổi mới sáng tạo.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung cũng xác định phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm ven bờ đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) và vịnh Đà Nẵng.
Mô hình phát triển của Đà Nẵng được xác định là phát triển các trung tâm phân tán, gồm: trung tâm đô thị gắn với trung tâm thành phố; trung tâm dịch vụ công nghệ cao tại khu vực tây bắc thành phố; trung tâm thương mại dịch vụ gắn với ga đường sắt mới; trung tâm đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố.
Đồ án xác định hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan bao gồm các chức năng chính trị và hành chính quan trọng có quy mô diện tích đất khoảng 43ha. Trung tâm hành chính thành phố tại quận Hải Châu, quy mô diện tích đất khoảng 1,1ha; bổ sung các chức năng hành chính khác, một số sở, ban, ngành phân tán về các khu vực; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan cấp quận, huyện với quy mô diện tích đất khoảng 27ha, trong đó UBND huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù, thực hiện hoạt động đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đồ án cũng nhắc đến việc Đà Nẵng cần tập trung hoàn thành một số dự án dịch vụ trọng điểm; hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan.
Đà Nẵng cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng và phát triển các trung tâm logistics tầm cỡ |
Về công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha; chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229ha, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics khu công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.
Hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao phía Tây Nam thành phố, quy mô diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch khoảng 4.619ha.
Mở rộng các cơ sở giáo dục, đào tạo, tập trung ở phía Nam thành phố, đặc biệt là làng Đại học Đà Nẵng hình thành lên khu đô thị đại học mới. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân.
Phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch để trở thành trung tâm logistics chuyên dụng; quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía tây thành phố.
Xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu; đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu; diện tích hậu cần cảng khoảng 195ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2020 - 2030 bao gồm nguồn đầu tư từ ngân sách thành phố, nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác. Giai đoạn 2030 - 2045 sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại, các vùng đất dự trữ ở phía Nam và phía Tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp.
UBND TP. Đà Nẵng có nhiệm vụ tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, Thành ủy, HĐND thành phố giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện. Các bộ, ban ngành phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng triển khai khai thực hiện.