Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BTC quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, thay thế Thông tư 82/2017/TT-BTC.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 ra đời, cùng với đó là Nghị định số 40/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, trong đó có nhiều nội dung mới liên quan đến chế độ báo cáo dẫn đến phải sửa đổi.
Do vậy, Thông tư 15/2021/TT-BTC quy định cụ thể về cơ quan gửi, nhận báo cáo; đề cương nội dung, thời gian báo cáo, mẫu biểu đối với báo cáo định kỳ. Theo đó, đã giảm 21 biểu so với Thông tư 82, đồng thời, các biểu mẫu báo cáo được quy định thống nhất cho tất cả đối tượng báo cáo thực hiện (bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh).
Để đảm bảo yêu cầu về chuẩn hóa chế độ báo cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện, chỉ tiêu trong các biểu mẫu cũng được quy định đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan nhận báo cáo, phục vụ công tác tổng hợp, phân tích số liệu, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sử dụng vốn đầu tư công cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.
Hàng tháng, các đơn vị báo cáo lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến hết tháng trước liền kề, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng báo cáo. Thời hạn các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15 của tháng báo cáo để phục vụ kịp thời công tác điều hành kế hoạch vốn của Chính phủ.
Đối với báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất, các đơn vị sẽ báo cáo theo các nội dung tại văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính khi Bộ có nhu cầu tổng hợp, thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành kế hoạch vốn ngoài báo cáo định kỳ.
Thông tư quy định các đơn vị gửi báo cáo bằng văn bản điện tử qua Hệ thống văn bản và Điều hành, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật. Báo cáo bằng văn bản giấy chỉ áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tiếp nhận và gửi văn bản điện tử.
Theo Bộ Tài chính, các quy định mới nêu trên sẽ là cơ sở giúp cho việc báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương được thuận lợi, chính xác. Đây cũng là cơ sở giúp cho công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công cả trung hạn và hàng năm về sau được nhanh chóng, kịp thời.