Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022: Hai luồng ý kiến về Quỹ bình ổn xăng dầu Đại biểu Quốc hội đề xuất duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu |
Đề xuất giữ Quỹ bình ổn xăng dầu
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều nay 11/11, đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh- đoàn Phú Thọ cho rằng, quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có những hạn chế.
Đại biểu Vũ Tuấn Anh- đoàn Phú Thọ |
Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu.
“Trong thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân”- đại biểu Vũ Tuấn Anh nhìn nhận.
Đại biểu cũng cho rằng, xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn.
“Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá”- đại biểu nêu cụ thể.
Đại biểu Vũ Tuấn Anh cũng trao đổi thêm, trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn.
Vì vậy, trước mắt, vị đại biểu này thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự án Luật, song cần quy định rõ là chỉ lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi.
Bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá, đại biểu Trịnh Xuân An- đoàn Đồng Nai cho rằng trong hoạt động điều hành giá, Nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan.
Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên đại biểu không đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng Quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá.
Cần quy định tiêu chí bình ổn giá với một số hàng hóa như xăng dầu
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi cũng đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật, ghi nhận các cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hồ sơ, tài liêu, kịp thời có Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi |
Tuy nhiên đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đồng thời cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường.
Vị đại biểu này cũng lưu ý tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến bình ổn giá để không làm hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế cho khám chữa bệnh.
Bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bình ổn giá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường.
Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo Luật, Chính phủ cũng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá, bao gồm điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất nhập khẩu, điều hòa hàng hóa giữa các vùng giữa các địa phương thông qua tổ chức lưu thông hàng hóa mua vào bán ra dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông quy định giá cụ thể giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất từng loại hàng hóa, dịch vụ và thời hạn áp dụng.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng quy định trên là khá rộng về thẩm quyền những lại thiếu các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, ảnh hưởng không tốt cho thị trường, không đảm bảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Góp ý về Quỹ Bình ổn giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá.