Quốc hội cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tối đa 176 nghìn tỷ đồng |
Chiều 11/1, Quốc hội đã họp phiên bế mạc Kỳ học bất thường thứ nhất, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật |
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 436/466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,37%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nêu trên.
Luật gồm 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành; 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật; khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, từ ngày 06/01/2022 và ngày 10/01/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, tổng hợp có 273 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Tổ và 31 ý kiến phát biểu, 9 ý kiến tranh luận tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, với Luật Đầu tư công, Quốc hội thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 17: Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 4 như sau: “Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12: “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng một hoặc một số nguồn vốn sau: Vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”.
Kết quả biểu quyết |
Riêng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4: Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này để nghiên cứu, khẩn trương trình Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo đúng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.