Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng - trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật thủy lợi |
Huy động nguồn vốn cho các công trình thủy lợi
Dự án Luật Thủy lợi đã được đưa ra trình và xin ý kiến Quốc hội từ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến tại hội trường quan tâm đến vấn đề đầu tư cho các dự án thủy lợi.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật thủy lợi tại hội trường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng - cho hay, một số đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo nguyên tắc: Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để toàn xã hội thực hiện, nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội. Về ý kiến này, UBTVQH giải trình: Công trình thủy lợi là công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác, cần nguồn vốn lớn nhưng thu hồi vốn chậm, đồng thời lại chịu nhiều rủi ro và khó thu hút đầu tư. Trong nhiều năm qua việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân tham gia còn rất ít. Đến nay, hạ tầng thủy lợi nước ta đã cơ bản được đầu tư và từng bước hoàn thiện.
Do vậy, để bảo đảm phát triển công tác thủy lợi trong tình hình mới, tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo luật đã chỉnh sửa Điều 15 theo hướng: Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; ưu tiên đầu tư xây dựng hồ chứa nước ở vùng có nguy cơ thiếu nước cao, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 1 Điều 15). Người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (khoản 2 Điều 15).
Góp ý thêm cho điều này, theo ĐB Nguyễn Thị Vân (Yên Bái), chính sách của Nhà nước nêu rõ ưu tiên đầu tư cho các công trình đặc biệt, lớn, ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo… tức là ưu tiên cho công trình mới. Tuy nhiên, còn những công trình có hiệu quả cao nhưng sử dụng lâu nên bị xuống cấp hoặc một số công trình có ý nghĩa nhưng quá thời gian thi công do thiếu vốn hoặc lý do khác thì chưa được quan tâm. Do vậy, ĐB đề xuất bổ sung nguồn vốn để sửa chữa các công tình có hiệu quả nhưng bị xuống cấp hoặc bị bỏ dở.
Cũng liên quan đến việc đầu tư các công trình thủy lợi, ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) nêu ý kiến, về trách nhiệm quản lý các công trình thủy lợi, dự thảo chỉ quy định trách nhiệm với công trình có vốn đầu tư từ ngân sách và các công trình doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Tuy vậy, hiện ta đang huy động nguồn vốn đầu tư như theo nhiều hình thức hợp tác công tư như PPP, BOT nên đề nghị bổ sung 1 khoản về trách nhiệm đầu tư theo các hình thức trên.
Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước
Điều 6 quy định về tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi. Việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động thủy lợi phải tuân theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: Điều 6, điểm C khoản 1 quy định, trong sử dụng nước cho cây trồng phải áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Quy định như vậy là đúng nhưng chưa phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay vì các vùng, miền nông thôn nước ta vẫn còn duy trì phương thức sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, đề nghị nên sửa điểm C khoản 1 lại như sau: “Trong sử dụng nước tưới cho cây trồng phải đảm bảo tiết kiệm nước, khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến”.
Đồng ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Vân nhấn mạnh, hiện nay, nền nông nghiệp nước ta chủ yếu sử dụng hình thức tưới ngập nên ảnh hưởng đến cây trồng cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên nước. Để phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp thực tế của nước ta, ĐB đề nghị thêm vào điểm C, khoản 1 cụm từ: “Khuyến khích sử dụng nước tưới cho cây trồng bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước”.
UBND tỉnh quyết định giá thủy lợi sau khi được HĐND thông qua
Về thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (Điều 36), nhiều ý kiến ĐB tán thành quy định về thẩm quyền quyết định giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên giao cho UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cùng cấp thông qua.
Giải trình điều này, UBTVQH cho biết, theo Luật Giá thì thẩm quyền định giá được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, do sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc loại hàng hóa thiết yếu nên giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sẽ tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Do vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong quyết định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn, việc quyết định giá được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cùng cấp thông qua trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định. Quy định như vậy cũng phù hợp với thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tiếp thu và giải trình về các ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường - cho hay, hai nội dung được đánh giá là bước đột phá của Dự thảo Luật Thủy lợi, thứ nhất là tăng cường xã hội hóa, kể cả trong đầu tư, quản lý, khai thác và trách nhiệm sử dụng các công trình thủy lợi mới. Thứ hai, chuyển từ phí sang giá theo tinh thần đảm bảo công bằng, tiết kiệm, ổn định xã hội. Đây là những vấn đề Ban soạn thảo dự thảo luật sẽ tiếp thu, làm sâu sắc, cụ thể hơn và có tính khả thi cao hơn trong dự thảo luật trước khi được thông qua.