Đánh giá cao hiệu quả của nhiệm kỳ
Tại các phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với những thành tựu của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - đoàn Hà Nội đánh giá, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã bám sát thực tiễn trong hoạt động cải cách tư pháp, hạn chế được oan sai. Trong công tác đối ngoại, Chủ tịch nước cũng đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao vị thế của đất nước.
Đại biểu Đỗ Xuân Đương - đoàn TP. Hồ Chí Minh đánh giá, hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua đã có hiệu quả lớn, mang được hơi thở cuộc sống vào nghị trường, đề ra nhiều Nghị quyết… Các Nghị quyết về kinh tế - xã hội đã góp phần phát triển kinh tế trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua không có bạo loạn, khủng bố, tạo điều kiện cho người dân yên ổn làm ăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - đoàn TP. Hồ Chí Minh nhận định thêm, hoạt động của cử tri ngày càng có hiệu quả cao hơn. Nhiều ý kiến băn khoăn của người dân đã được cử tri gửi về Quốc hội để tìm giải pháp giải quyết triệt để. Ở chiều ngược lại, cử tri cũng theo dõi, giám sát tương đối tốt các hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường - đoàn Hà Nội nêu rõ, việc thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp là trọng tâm của Quốc hội khóa 13. Hoạt động xây dựng các dự án luật trong nhiệm kỳ này rất nặng, trong đó điểm tích cực là đã xây dựng được Hiến pháp 2013 – bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. Nội dung của hiến pháp đã đảm bảo được yêu cầu hội nhập, tập trung được ý chí của người dân, đề cao quyền con người và lợi ích của người dân. Sau khi Hiến pháp ra đời, 100 luật và bộ luật khác nhau đã được thông qua. Trong đó có nhiều luật liên quan đến thể chế kinh tế, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Về nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nhiệm kỳ qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế trong nước vẫn có bước phát triển. Điều này thể hiện sự cố gắng của Chính phủ trong việc nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo công tác an sinh xã hội và cuộc sống của người dân. Nhiều thành viên Chính phủ ban đầu còn yếu kém, nhưng sau một thời gian đã có sức bật mạnh mẽ và được cử tri, nhân dân đánh giá cao như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng…
Nhiệm vụ nặng nề cho nhiệm kỳ mới
Góp ý cho hoạt động của các cơ quan trong giai đoạn tới, đại biểu Bùi Thị An - đoàn Hà Nội nhấn mạnh, Chính phủ cần quy trách nhiệm trong từng lĩnh vực cụ thể, tránh nói chung chung và đổ lỗi tập thể. Nâng cao chức năng dự báo vì hiện chức năng này còn kém. "Khi có phương thuốc hữu hiệu thì hiệu quả sẽ nâng lên" - đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - đoàn TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn, cần xem xét lại cách làm luật, lý giải nguyên nhân vì sao nhiều bộ luật ra đời khó đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức hoạt động để Quốc hội gần dân hơn; tăng số lượng đại biểu chuyên trách nhưng phải đảm bảo chất lượng của lực lượng này; Giảm hình thức, giảm hành chính trong hoạt động quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội khóa 14 cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép một số thành phố lớn thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Khi thực hiện mô hình đó, do có thể chênh với Luật chính quyền địa phương, phải sửa một loạt luật, cho nên chỉ đề nghị TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm mô hình này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, so với yêu cầu chung của đất nước, vẫn còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm như vừa rồi, ta vẫn còn tập trung vào những hoạt động mang tính “chữa cháy”, tập trung vào những giải pháp tình thế. “Xét cho cùng, Chính phủ đã phần nào thành công trong những tình huống đó nhưng theo trong nhiệm kỳ tới đây, Chính phủ nên có những nghiên cứu và huy động sáng kiến nhân dân, huy động nguồn nhân lực có tài năng để đề xuất những vấn đề mang tính dài hạn. Những khuyết điểm đã tồn tại nhiều năm qua như vấn đề nợ công, đầu tư công, thủ tục hành chính… vẫn chưa thực sự được khắc phục hiệu quả, cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ để có được sự chuyển đổi căn cơ hơn” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.