Thứ tư 14/05/2025 21:07

Quốc hội thảo luận dự thảo sửa đổi Luật dược và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Hôm nay (25/3), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật dược (sửa đổi) và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Quy định chặt chẽ nhập khẩu dược liệu

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật dược (sửa đổi) trước Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, hiện còn một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng, trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài.

Bà Mai cho biết thêm, thực tế hiện nay, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền (YHCT), thực phẩm chức năng, thực phẩm). Do vậy, nếu quy định dược liệu đã có số đăng ký lưu hành hoặc dược liệu để sản xuất thuốc đã có số đăng ký lưu hành không phải cấp phép nhập khẩu như nguyên liệu sản xuất thuốc hóa dược thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó quản lý chất lượng và nguồn gốc của dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam để làm thuốc YHCT. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng YHCT, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của YHCT Việt Nam.

Theo bà Mai, để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của YHCT Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, nhiều đại biểu khác đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài...

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên - đoàn Tiền Giang - nêu vấn đề, hiện dược liệu tại Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài với giá bằng 1/4 giá dược liệu trong nước sản xuất, chưa kể bị chiết liệu hoạt chất. Trong khi đó, trình độ của chúng ta hiện không đủ khả năng kiểm soát các nguồn dược liệu này. “Vì thế, bên cạnh việc giao quyền nhập khẩu cho Chính phủ như trong dự thảo, đề nghị bổ sung hình thức chỉ định thầu dược liệu trong nước. Như vậy mới tạo điều kiện phát triển vùng dược liệu, bảo đảm lợi ích cho nông dân, đất nước” đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.

Đảm bảo thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) mang lại lợi ích lớn nhất trong hội nhập

Đại biểu thảo luận về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến cho rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, chưa ký kết và chưa trình Quốc hội để phê chuẩn. Do đó, đề nghị sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành sửa đổi Luật này.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, Hiệp định TPP vừa mới được ký kết. Để có hiệu lực tại 12 nước phải thực hiện các quy trình để thông qua tại quốc gia được ký kết, mỗi quốc gia có quy trình, thẩm quyền và thời gian thông qua khác nhau. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 10 hiệp định thương mại khác, trong đó có nhiều hiệp định đã đến thời hạn phải thực hiện lộ trình cam kết.

Việc ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh (như miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư...); đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết. Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã rà soát đưa vào Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) các nội dung của Hiệp định, đảm bảo phù hợp với nội dung Hiệp định TPP (như thuế xuất khẩu ưu đãi, tiền thuế tối thiểu không thu...).

Mặt khác, Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại Điều 5 quy định mức thuế suất ưu đãi đặc biệt để thực hiện các hiệp định thương mại tự do và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế cũng quy định trong trường hợp các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trái với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì thực hiện theo các điều ước quốc tế đó. Do đó, Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trình Quốc hội đã đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.

Hầu hết các ý kiến tại hội trường đồng ý với việc nên sớm thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) ngay tại kỳ họp Quốc hội XIII. Đại biểu Phan Văn Quý - đoàn Nghệ An - cho rằng, nước ta đang tham gia hội nhập sâu rộng. Nhiều Hiệp định thương mại đã được ký kết và có hiệu lực. Do đó, việc ban hành thuế phù hợp với tình hình mới là quan trọng, nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân có được lợi ích tốt nhất từ hội nhập.

Cũng theo các đại biểu, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ là điều kiện quan trọng giúp hàng hóa của nước ta đủ sức cạnh tranh trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay. Điều 13, Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi quy định, hàng hóa áp dụng thuế chống trợ cấp được xác định là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đại biểu Phùng Đức Tiến - đoàn Hà Nam cho rằng, quy định này còn chung chung. Nên quy định cụ thể như ai, đơn vị nào có thẩm quyền quyết định biên độ mức độ bán phá giá? Thế nào là ảnh hưởng đến hàng hóa trong nước? Ảnh hưởng đến mức độ nào? Từ đó có cơ sở để áp dụng hàng rào phi thuế quan sao cho hiệu quả.

Phương Lan

Tin cùng chuyên mục

Chính quyền địa phương hai cấp: Dấu mốc cải cách thể chế lịch sử

Nghiên cứu sắp xếp lại tổ dân phố trước ngày 31/5

Thủ tướng: Mở đợt đấu tranh cao điểm chống hàng giả, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên cơ chế chất vấn

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Hoàn thiện chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp cần thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn lậu hàng giả

Thảo luận về sửa Hiến pháp: Bảo đảm tính thống nhất, không bỏ sót quyền hạn địa phương

Thủ tướng: Xây dựng, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam

Những hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Mở rộng không gian phát triển dược liệu từ rừng

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Mỗi đồng vốn Nhà nước đầu tư phải có mục tiêu sinh lời rõ ràng

Từ Nghị quyết 68 đến luật quản lý vốn: Nhận thức rõ hơn về vai trò doanh nghiệp nhà nước

Luật về vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần có cơ chế bảo vệ tài sản Nhà nước

Miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030: Cánh tay tài khóa hỗ trợ tam nông

Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm: Mở ra chương mới hợp tác với các nước bạn bè truyền thống

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, cải thiện môi trường kinh doanh

Bố trí kinh phí kịp thời cho người lao động khi sắp xếp bộ máy