Quốc hội làm việc về tình hình quyết toán ngân sách Nhà nước và xử lý nợ xấu
Nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày về tình hình quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 |
Báo cáo trình Quốc hội về tình hình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội nêu rõ, năm 2015, tổng số thu cân đối Ngân sách Nhà nước (NSNN) là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư NSĐP năm 2014, thu huy động đầu tư của Ngân sách địa phương (NSĐP) và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016); Bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 52.288 tỷ đồng.
Với mức bội chi như vậy, số thâm hụt ngân sách là 263.135 tỷ đồng, vượt 7.135 tỷ đồng so với mức Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng (5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,1% GDP thực tế). Nguyên nhân của con số thâm hụt này là do thực hiện hoàn thuế VAT theo quy định cao hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu là 7.452 tỷ đồng nên đã đẩy bội chi tăng tương ứng. Tuy vậy, nhờ có nguồn tiết kiệm chi trong nước 317 tỷ đồng, nên số bội chi ngân sách Nhà nước chỉ tăng 7.135 tỷ đồng. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước 195.900 tỷ đồng và vay nước ngoài 67.235 tỷ đồng.
Trên cơ sở mức bội chi này, dư nợ Chính phủ bằng 50% GDP, nợ công 61,8% GDP. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn quy định của Chính phủ, Quốc hội”.
Báo cáo kết quả thẩm tra quyết toán ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nhiều bất cập trong thu - chi khiến ngân sách bị lạm chi; vẫn còn tình trạng sai phạm, thất thoát trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, tuy báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng các chỉ số này đều đã sát trần. Trong đó, nợ Chính phủ hiện đã chạm trần 50% GDP và nợ công là 61,8% GDP.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, việc quản lý nợ công còn những hạn chế khi 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh. Một số khoản vay đã được lập chứng từ ghi thu - ghi chi nhưng chưa phản ánh vào quyết toán ngân sách Nhà nước, đơn cử số tiền 18.123 tỷ đồng khoản vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Do đó, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và sớm có phương án xử lý đối với 18.123 tỷ đồng trên theo đúng quy định.
Mở rộng đối tượng được mua nợ xấu
Cũng trong chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết nêu rõ, phải bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý, giá đó có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây.
Nguyên nhân, Thống đốc Lê Minh Hưng lý giải, thực tế, do biến động của thị trường, giá bán khoản nợ, tài sản bảo đảm thực tế có thể thấp giá trị sổ sách của khoản nợ. Do đó, quy định này nhằm khẳng định rõ ràng trách nhiệm của người bán theo hướng nếu bán theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn giá ghi số thì người bán không phải chịu trách nhiệm. Người gây ra hậu quả dẫn đến nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật có liên quan.
Dự thảo Nghị quyết cũng mở rộng đối tượng mua bán nợ là các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Theo quy định hiện tại thì Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”(VAMC) được mua nợ xấu của các TCTD, nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu bên thứ ba không có đăng ký kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.
Trong khi đó các TCTD bán nợ không bị giới hạn này (TCTD được bán nợ cho các tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ). Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu xử lý nhanh nợ xấu, do đó, cần thiết phải có quy định để mở rộng đối tượng được mua nợ xấu của VAMC bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ.
Các nội dung nêu trên sẽ được Quốc hội thảo luận trong những ngày tiếp theo.