Công nhận 4 huyện của tỉnh Quảng Trị, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới Quảng Trị: Quyết liệt xử lý hàng lậu, giả nhãn hiệu |
Ngày 16/8, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định công bố dịch lở mồm, long móng tại xã Húc, đồng thời công bố vùng uy hiếp gồm các xã, thị trấn: Khe Sanh, Hướng Lộc, Ba Tầng và Tân Hợp; vùng đệm gồm các xã: A Dơi, Lìa, Thuận, Tân Lập, Tân Liên, Hướng Tân và Hướng Linh.
Theo đó, UBND huyện Hướng Hóa cấm vận chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò ra ngoài vùng dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò tại các xã còn lại, đặc biệt là tại các xã trong vùng uy hiếp. Đồng thời, cấm vứt xác trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò ốm chết ra ngoài môi trường; tổ chức tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, sản phẩm trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện.
Dịch lở mồm long móng ở bò (hình minh hoạ) |
UBND huyện Hướng Hóa yêu cầu UBND xã có dịch chịu trách nhiệm công bố, tuyên truyền và thông báo trên địa bàn xã quản lý trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh lở mồm, long móng trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò ra, vào vùng dịch.
Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường chính ra vào địa bàn nhằm ngăn chặn, khống chế động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm ra vào vùng dịch, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Luật Thú y và có hướng dẫn giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền. Các xã vùng dịch chuẩn bị các vật tư, tổ chức tiêu hủy trâu, bò chết do mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đồng thời tổ chức điều tra xác minh ổ dịch; thực hiện rà soát, thống kê tổng đàn, hộ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đàn trâu, bò trên địa bàn.
Tính đến ngày 15/8, tại huyện Hướng Hóa, bệnh lở mồm, long móng đã xảy tại các xã Hướng Phùng, Húc, Thuận và thị trấn Lao Bảo, với tổng số 52 con trâu bò mắc bệnh; trong đó, có 3 con bò bị chết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nhận định: Nguyên nhân xảy ra dịch là do người dân nhận con giống hỗ trợ chưa chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (nhốt chung bò mới nhập với bò của gia đình, chăn thả trâu, bò bệnh với trâu bò chưa mắc bệnh). Đây là yếu tố khiến bệnh lây lan sang cho trâu, bò tại địa phương.