Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí trị giá 2,3 tỷ USD |
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng vừa chủ trì buổi làm việc với tổ hợp nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 – 1.500 MW để nghe báo cáo tình hình triển khai dự án.
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, hiện nay, dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc: phạm vi thu hồi đất xây dựng dự án khá lớn ảnh hưởng đến nhiều thửa đất, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa, tái định cư trong khi đó yêu cầu về tiến độ giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022. Công tác đo đạc, thu hồi đất còn chậm so với tiến độ yêu cầu đề ra… Đại diện tổ hợp nhà đầu tư đề xuất các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án. Trong đó, điều chỉnh vị trí mặt bằng xây dựng các hạng mục của dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 và quy hoạch mặt bằng cho giai đoạn 2.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng Quảng Trị |
Sau khi nghe báo cáo của đại diện chủ đầu tư, các ngành, đơn vị liên quan tại cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ghi nhận các ý kiến đề xuất của nhà đầu tư và giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương xem xét, rà soát các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án đảm bảo phù hợp quy hoạch chung của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu tổ hợp nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về nghiên cứu khả thi dự án, đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ, thủ tục liên quan; phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và huyện Hải Lăng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ký quỹ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất tái định cư theo đúng quy định để sớm triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết.
Dự án sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW.
Chủ đầu tư của dự án gồm tổ hợp nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.