Đà giảm kéo dài trong suốt tháng 10/2023, giá heo hơi sẽ diễn biến ra sao? Khánh Hòa: Tiêu hủy hơn 26 tấn lợn dịch tả, dự báo dịch diễn biến phức tạp |
Mưa lũ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam. Đến nay, đã có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện dịch bệnh.
Tại tỉnh Quảng Trị, đã xuất hiện bệnh DTLCP trên địa bàn của 23 xã, thị trấn của 5 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Triệu Phong có 18 xã, thị trấn; huyện Đakrông có 2 xã; huyện Hướng Hóa có 1 xã; huyện Cam Lộ có 1 xã và thị xã Quảng Trị có 1 xã. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, tác động lớn đến môi trường, đời sống người dân. Đặc điểm của vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.
Được biết, ngành thú y tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra tình hình tại các ổ dịch để hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch; tiêu hủy lợn bệnh, chết theo quy định; cấp hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi chuồng trại; tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện sớm dịch bệnh; tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch để người chăn nuôi nhận biết và báo cáo ngay dịch bệnh cho nhân viên thú y và chính quyền địa phương để xử lý; sử dụng trên 2,2 tấn vôi bột và 339 lít hóa chất để phòng chống dịch.
Mưa lũ tạo điều kiện cho mầm bệnh dịch tả lợn lây lan tại Quảng Trị (ảnh Thanh Lộc) |
Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng. Đợt mưa lũ tháng 10 và giữa tháng 11/2023 tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh, nhất là xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
Tăng cường công tác phòng dịch
Để khẩn trương kiểm soát tốt các ổ dịch đang xảy ra, đồng thời chủ động phòng, chống bệnh lây lan diện rộng, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức tiêu hủy lợn bị bệnh, chết theo quy định. Cấp hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại. Quản lý các hộ có kinh doanh động vật trên địa bàn, cam kết không mua bán vận chuyển lợn, sản phẩm lợn chưa qua kiểm dịch.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/11/2023 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Cụ thể, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu giám đốc các sở, ban ngành cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh DTLCP; coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này; quyết tâm khống chế bệnh DTLCP trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân.
Ngoài ra, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP tại cơ sở và báo cáo, đề xuất các giải pháp quản lý, chỉ đạo điều hành phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Các địa phương đang có ổ dịch DTLCP khẩn trương huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất xử lý môi trường khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và nhà sản xuất. Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu để Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cập nhật trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc phòng, chống bệnh DTLCP, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là bệnh DTLCP; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ lợn; phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác theo đúng quy định.Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh; các mẫu lợn nghi mắc bệnh tại các hộ dân, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp các địa phương xây dựng, tổng hợp kinh phí phòng, chống dịch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.
Các sở, ngành có liên quan và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh vật nuôi tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh DTLCP.