Thu hút nguồn vốn FDI tăng ấn tượng
Tính đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 136 dự án FDI đang hoạt động hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,5 tỷ USD. Tính đến nay, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Quảng Ninh, trong đó Mỹ giữ vị trí đứng đầu với số vốn đăng ký trên 2,3 tỷ USD với 4 dự án chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,8 tỷ USD với 67 dự án, còn lại là các nhà đầu tư đến từ các nước khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong năm 2020 đạt trên 188 triệu USD, trong đó chủ yếu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ người ngoài (vốn đầu tư thực hiện chủ yếu từ các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT)). Doanh thu đạt trên 2.650 triệu USD chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành công nghiệp, các nhóm ngành còn lại nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 2.963 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 1.469 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 1.494 triệu USD. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.811 tỷ đồng.
![]() |
KCN Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước xây dựng, hình thành nên những KCN kiểu mẫu nhằm hấp dẫn nhà đầu tư cả trong và ngoài nước |
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 569,397 triệu USD; điều chỉnh GCNĐKĐT cho 20 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư thu hút trong 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 607,86 triệu USD. Tuy số dự án được cấp mới GCNĐKĐT thấp hơn nhưng số vốn FDI thu hút tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2021 cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 6/2021, tại Quảng Ninh có 142 dự án FDI đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 7,66 tỷ USD. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,54 tỷ USD, đạt 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn FDI đầu tư thu hút vào tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử và sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, công nghiệp dệt may, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025.
Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 185,9 triệu USD; doanh thu đạt khoảng 1.366 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 2.395 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 723,192 tỷ đồng, đạt 82% so với cùng kỳ. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 36 nghìn người.
Sự hỗ trợ tốt đến từ địa phương
Xác định thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những động lực quan trọng kéo tăng trưởng kinh tế địa phương theo hướng nhanh, mạnh, bền vững. Từ đầu năm 2021 tới nay, tỉnh Quảng Ninh liên tục tập trung triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm giữ vững thứ hạng của tỉnh đối với 4 chỉ số: PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh), PAR Index (cải cách hành chính), SIPAS (sự hài lòng về sự phục vụ hành chính).
Điển hình như với dự án công nghệ tế bào quang điện của Công ty Jinko Solar PV Hong Kong có tổng mức đầu tư 500 triệu USD, cũng là dự án FDI lớn nhất đầu tư vào Quảng Ninh hiện nay. Theo báo cáo thẩm định của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án diễn ra trong vòng 6 ngày (sớm hơn 12 ngày so với quy định thủ tục hành chính) và được tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến chấp thuận chỉ trong 1 ngày.
![]() |
Với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế để thu hút các dự án FDI |
Đặc biệt, tháng 6/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm, như: Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh; Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar;... để nắm bắt vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư…
Theo ông Jiang Zheng Tao, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CTTV, doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Foxconn, công ty đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh để thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như tạo điều kiện để công nhân lao động đơn vị thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Trong những tháng cuối năm, đơn vị chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh”, ông Jiang Zheng Tao khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra trong tháng 8/2021 đã khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu”.
Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp nghiên cứu, xúc tiến những ngành nghề kinh doanh mới. Quảng Ninh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, quyết liệt, hiệu quả nhất, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả".
Một số chỉ tiêu trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài được tỉnh Quảng Ninh đặt ra như: Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018. |