Quảng Ninh tổ chức kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV với nhiều quyết sách quan trọng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 toàn cầu và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, đợt bùng phát dịch thứ 4, Quảng Ninh có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 9 ca bệnh nhập cảnh; song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình” khi có tình huống phát sinh. Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng dập tắt ngay các ổ dịch, cắt đứt và khóa chặt nguồn lây, làm sạch địa bàn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế - xã hội, kiểm soát tốt tình hình.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là một điểm sáng của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2021 |
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thực hiện “mục tiêu kép”; tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02% (cùng kỳ tăng 4,26%), đang là mức tăng trưởng cao, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 38,95% cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % kịch bản, là động lực tăng trưởng chính. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu các tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và năm đầu tiên dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, hiện ngành than, ngành du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp và khu vực dân doanh gặp khó khăn; đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là lao động làm việc trong khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa kịp thời các chủ trương Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng như hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, khóa XIV sẽ quyết nghị thông qua 17 nghị quyết |
Đồng thời, kỳ họp cũng quyết nghị thông qua 17 nghị quyết, trong đó có các cơ chế, biện pháp điều hành siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công gắn với chất lượng công trình; thông qua danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình đợt 3 năm 2021...
Đặc biệt là xem xét quy định mức chuẩn và chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh chưa quy định trong Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ đảm bảo phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của tỉnh, nhất là khả năng cân đối của ngân sách địa phương với lộ trình cụ thể trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 2 rất lớn, trong đó nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kỳ”.
Các đại biểu dự Kỳ họp trao đổi trong giờ giải lao. |
Những quyết nghị này có ý nghĩa quan trọng liên quan đến sự thành công trong thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị: Tỉnh Quảng Ninh cần chủ động phục hồi du lịch, dịch vụ, tạo môi trường an toàn có kiểm soát. Chú trọng công nghiệp chế biến, cảng biển,phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa 3 đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục giải pháp thu hút đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kết nối hạ tầng nội tỉnh với liên kết vùng, hình thành nên động lực kinh tế vùng. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao…