Quảng Ninh: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành than nhằm tăng hiệu quả sản xuất Chủ tịch HĐQT Shinec: 'Đừng nói nhiều, hãy hành động để gặt hái thành quả' |
Với định hướng xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thu hút, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn còn khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương Quảng Ninh, đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng diện tích 11 CCN với 577,55ha, trong đó có 6 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với 375,39ha. Các dự án đã đi vào hoạt động, đã thu hút được 435 dự án thứ cấp, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân là 58,69% và tạo việc làm cho 4.935 lao động.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, huyện Đầm Hà - Quảng Ninh đang ngày càng có sức hút với các nhà đầu tư |
Ngoài ra, có 5 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong số này, đã có 2 CCN được thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đó là dự án cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà và dự án cụm công nghiệp Yên Than, xã Yên Than, huyện Tiên Yên.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: Là một huyện miền núi ven biển nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, Đầm Hà sở hữu rất nhiều lợi thế về tự nhiên để phát triển du lịch và nông nghiệp. Bên cạnh đó, với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối với cao tốc Hạ Long – Móng Cái, giúp huyện có sức hút lớn với nhà đầu tư.
Bên cạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao với các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn BIM, hay TH True Milk…. thì huyện đang tập trung phát triển các CCN để thúc đẩy ngành công nghiệp, tạo sự chuyện dịch về cơ cấu kinh tế một cách chất lượng và bền vững.
“Huyện không chủ trương thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó, các dự án được lựa chọn nhà đầu tư rất cẩn trọng. Đơn cử như với dự án CCN phía Đông Đầm Hà B, nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty CP Shinec. Đây là CCN đầu tiên trong tổng số 4 CCN của huyện được quy hoạch nên chúng tôi rất cẩn trọng trong việc lựa chọn chủ đầu tư”, ông Khuyến khẳng định.
Phối cảnh dự án CCN phía Đông Đầm Hà B |
Được biết, thông qua việc chấm điểm hồ sơ nghiêm túc, lãnh đạo huyện còn trực tiếp đi thực tế tại dự án mà nhà đầu tư đã triển khai là KCN sinh thái Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Chúng tôi lựa chọn Shinec vì định hướng phát triển nơi đây thành CCN xanh, thân thiện môi trường. Và chủ đầu tư đã là thương hiệu có uy tín trong việc phát triển bất động sản công nghiệp sinh thái.
Trong tháng 6/2024, Shinec đã nhận được, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Sau khi được phê duyệt chuyển đổi đất rừng thuộc phạm vi dự án, thì chỉ trong trong quý IV/2024 là công ty có thể có được mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư được giao đất đúng tiến độ thì dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng dự án và đi vào hoạt động.
Về phía chính quyền địa phương huyện Đầm Hà cũng đang tập trung nguồn lực để sớm triển khai việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật đến cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B (hạ tầng điện, nước, giao thông…) để dự án sớm đi vào hoạt động theo tiến độ mà chủ đầu tư đã cam kết.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương cũng khẳng định: "Ngành Công Thương Quảng Ninh đang tập trung thu hút đầu tư các CCN, ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Sở luôn hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để các dự án sớm đi vào hoạt động, đóng góp cho địa phương nơi có dự án".
Việc các cụm công nghiệp sớm được đưa vào hoạt động sẽ góp phần giúp các địa phương còn nhiều khó khăn như Đầm Hà hay Tiên Yên thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... ra các cụm công nghiệp nhằm không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.