Linh hoạt trong chính sách
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, đến nay, tỉnh hiện có 92/98 xã đạt chuẩn NTM, 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu xây dựng NTM kiểu mẫu, có xã đạt NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.
Đến hết năm 2020, bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không còn xã dưới 15 tiêu chí, có 7/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%. Quy hoạch NTM của các xã cơ bản đã được điều chỉnh đảm bảo tính kết nối giữa các xã trong huyện. Các yếu tố trong hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đều cơ bản hoàn thành.
Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, toàn tỉnh Quảng Ninh có tới 53 xã khó khăn, trong đó, 22 xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, lợi thế để xây dựng NTM tại Quảng Ninh rất ít bởi hạ tầng vùng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Để triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời cần có cách làm riêng mang tính đột phá, phù hợp với thực tế của địa phương.
Phong trào xây dựng NTM ở Quảng Ninh được lồng ghép cùng việc thực hiện nhiều chương trình khác, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao của người dân. Đích đến, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn. Do vậy, Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp sáng tạo, đột phá về sản xuất và thu nhập. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với những cách làm sáng tạo, đạt được kết quả lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu xây dựng NTM kiểu mẫu |
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thành 97/98 xã đạt chuẩn NTM.
Để thực hiện được mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP theo hướng chuyển từ lượng sang chất. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào gắn với nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực; đồng thời, bố trí nguồn lực hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí còn thiếu, chưa đạt.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tham gia xây dựng NTM gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” làm nền tảng để xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục bố trí 200 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và kế hoạch OCOP năm 2021.
Vï nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm, ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đề nghị các ngành, địa phương tập trung hoàn thiện chỉ tiêu, tiêu chí của các xã có lộ trình về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện NTM; đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Đồng thời, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, không để bị chững, ngắt quãng việc hoàn thành và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí; tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn xây dựng NTM... Với Chương trình OCOP, cần rà soát lại nguồn hàng OCOP để có phương án tiêu thụ nông sản cho người dân, phát huy hiệu quả kênh thương mại điện tử.
Quảng Ninh xây dựng Đề án về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Nhờ cách làm sáng tạo và bước đi riêng, tỉnh đã hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019, về sớm 1 năm và là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình 135. |