Quảng Ninh: Tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút FDI Quảng Ninh: Tổ chức Diễn đàn thúc đẩy du lịch biên giới qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng |
"Trái ngọt" từ chương trình OCOP
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, là một trong số các chương trình, đề án đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013. Khi đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình này.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP |
Chỉ trong 3 năm đầu triển khai, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP với trên 210 sản phẩm. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm (2013-2016) đạt đến gần 700 tỷ đồng.
Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.
Đến nay, sau 10 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay Quảng Ninh có 348 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao; có thêm 1 sản phẩm đã được công nhận 5 sao quốc gia là trà hoa vàng Quy Hoa, huyện Hải Hà.
Hiện một số địa phương đang tập trung hoàn thiện công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 401 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao (tăng 65 sản phẩm so với năm 2022, vượt kế hoạch 15 sản phẩm).
Các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh không chỉ đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao doanh thu.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 171 đơn vị tham gia Chương trình OCOP; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Để đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn cao, vươn xa, Quảng Ninh cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai mạnh mẽ. Giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã tổ chức 16 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh; 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại 13 địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP của Quảng Ninh |
Từ đầu năm đến nay, nhiều hội chợ quy mô lớn được tổ chức: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023, Hội chợ triển lãm chào mừng Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30 về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2023, sắp tới đây là Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc - Quảng Ninh 2023. Mỗi hội chợ quy tụ hàng trăm gian hàng, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.
Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 148 website về thương mại điện tử. Trong đó, có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, đã đưa 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao lên các sàn thương mại điện tử.
Riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP, trong đó có 172/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, để thúc đẩy xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, sàn thương mại điện tử mới ở địa chỉ: http://ocop.com.vn hiện đã được đưa vào chạy thử để hoàn thiện các tính năng thương mại mới.
Người dân có thể đặt hàng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh mọi lúc, mọi nơi tại sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (http://ocopquangninh.com.vn) |
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, việc tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh tới các thị trường trong và ngoài nước được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong nước.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm, xúc tiến trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử và kết nối vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, tăng cường việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm.