Siết chặt các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm |
Nhờ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các đường mòn lối mở dọc biên giới, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn do vậy trong thời gian qua, hiện tượng thẩm lậu thực phẩm từ nước ngoài vào thị trường nội địa cơ bản đã được tỉnh Quảng Ninh khống chế.
Bà Nguyễn Hoài Thương- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã tổ chức 02 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 2 của Tỉnh do Lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn. Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 07 huyện và thành phố và 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các địa phương này. Kết quả cho thấy các địa phương đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được kiểm tra chưa phát hiện ra vi phạm về an toàn thực phẩm cần phải xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, ngành công thương Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm cấn đối nguồn cung hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.
Thông qua hoạt động của Lực lượng Quản lý thị trường, Quảng Ninh cũng đã kiểm tra và xử lý 65 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền phạt 348.650.000 đồng, các vi phạm chủ yếu liên quan đến thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng… Đồng thời, Lực lượng Quản lý thị trường cũng đã tịch thu, tiêu hủy 2.462 chiếc và 1.753 gói bánh kẹo các loại, 2.400 kg mỡ bò, 2.531 hộp sữa các loại, 1.594 chai nước ngọt các loại, 300 kg nầm lợn ... trị giá 451.914.000 đồng.
“Các vụ việc vi phạm được công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng. Số vụ việc vi phạm xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ, không để tồn tại các điểm nóng về vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giảm 62 vụ so với cùng kỳ năm 2021”, bà Nguyễn Hoài Thương cho biết.
Cùng với đó, công tác lấy mẫu, xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm cũng đã được Quảng Ninh triển khai ráo riết. Theo đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu, kiểm tra nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại 70 mẫu đối với các sản phẩm: rượu trắng, nấm tươi, hành, tỏi, bún, xúc xích và rau xanh. Qua xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu methanol, hàn the, phẩm màu, nấm mốc, chất tẩy trắng (hypoclorit), focmaldehyt, nitrit, nitrat... Kết quả: 01 mẫu rau xanh dương tính với nitrat; 69/70 mẫu âm tính với các chỉ tiêu tương ứng.
Tại các chợ, đoàn kiểm tra đã tiết hành lấy mẫu và xét nghiệm nhanh 587 mẫu thực phẩm, qua đó phát hiện 07 mẫu thực phẩm dương tính, chiếm 1,19% trên tổng số mẫu.
587 mẫu thực phẩm tại các chợ đã được Đoàn kiểm tra lấy mẫu và xét nghiệm nhanh |
Qua đó, Đoàn kiểm tra đã khuyến cáo hộ kinh doanh trong chợ đồng thời thông tin đến người dân trồng rau trên địa bàn về hàm lượng nitrat đối với mẫu rau diếp được kiểm nghiệm nhanh, vận động hộ kinh doanh trồng rau điều chỉnh lượng phân đạm tuân thủ theo đúng quy định và đảm bảo thời gian thu hoạch để lượng nitrat trong rau giảm thấp bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với công tác quản lý sản xuất rượu thủ công, theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 1.168 cơ sở sản xuất rượu thủ công với tổng sản lượng khoảng 2.341.384 lít mỗi năm, trong đó có 972/1.168 cơ sở sản xuất không nhằm mục đích kinh doanh.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công Thương và các chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công.
“Đến nay số cơ sở sản xuất rượu nhằm mục đích kinh doanh được cấp giấy phép là 196/196 cơ sở đạt 100%. Các cơ sở còn lại không nhằm mục đích kinh doanh đã thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 877/972 cơ sở, đạt 90,2%. Hiện chúng tôi đang tích cực đôn đốc, phối hợp với các địa phương tổ chức, tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh ký kê khai và cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100% trong thời gian tới; quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo các quy định tương ứng”, bà Thương cho biết.
Hiện Quảng Ninh có 11 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực thực phẩm cùng 129 cửa hàng tiện ích, đến nay đều được Sở Công Thương thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt 100% và thực hiện kiểm tra, hậu kiểm, giám sát thường xuyên theo quy định.
Cũng theo bà Nguyễn Hoài Thương, thời gian qua các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã thực hiện tốt vai trò phân phối, bán lẻ lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến trên thị trường cũng như các ghi nhận về mất an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm do các đơn vị cung cấp.
“Từ nay đến cuối năm chúng tôi tiếp tục siết chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung vào các dịp cao điểm như Tết Trung thu, tết Nguyên đán, dịp lễ hội... Phối hợp với các Sở, ban, ngành quản lý chặt chẽ, có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn Tỉnh; tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý”, bà Thương khẳng định.