Quảng Ninh: Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, giá hàng hóa mùa du lịch hè 2024 Quảng Ninh phấn đấu đạt mốc 20.000 doanh nghiệp trong năm 2024 |
Hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững.
Theo tìm hiểu, tỉnh Quảng Ninh luôn xem phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những định hướng phát triển kinh tế quan trọng. Điều đó được thể hiện qua việc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Quảng Ninh.
Du khách đến huyện Cô Tô, Quảng Ninh. (Ảnh: Trung tâm truyền thông và văn hóa huyện Cô Tô) |
Thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực xây dựng các đề án để ban hành thêm các nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến phát triển kinh tế biển, gồm: Đề án phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Quảng Ninh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển du lịch Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển khu kinh tế Vân Đồn…
Điểm nhấn trong phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh chính là hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tổng hợp, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.
Hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển là 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%. Đồng thời, xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế.
Những trụ cột để phát triển kinh tế biển
Theo định hướng chiến lược đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển trụ cột như: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển...
Đối với công nghiệp ven biển, Quảng Ninh kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính để đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế. Hoạt động quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới.
Trong lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư có tiềm lực để đầu tư, nâng cao dịch vụ du lịch đẳng cấp trên các đảo thuộc vùng biển Vân Đồn - Cô Tô, Hải Hà (xã Cái Chiên), Móng Cái (xã Vĩnh Trung, xã Vĩnh Thực...).
Hiện nay, tiêu chí du lịch xanh đang được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đơn cử, ngày 22/4 vừa qua, UBND huyện Vân Đồn đã có Kế hoạch số 1299/KH-UBND về giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 27/4, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen (huyện Vân Đồn).
Quảng Ninh khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư, phát triển du lịch biển. (Ảnh: Thế Hoàng) |
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, theo định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,5%/năm; dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 3%-3,5% trong GRDP của tỉnh.
Về kinh tế thủy sản, mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 31.510 tỷ đồng, tăng trưởng gấp khoảng 2,3 lần so với năm 2020. Qua đó tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực xây dựng đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản sớm quy hoạch phát triển nghề nuôi biển bền vững; phát triển hợp lý phương tiện khai thác hải sản xa bờ; đầu tư, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá...
Nuôi biển theo tiêu chí xanh
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 diện tích dành cho nuôi trồng thủy sản là trên 95.000 ha; trong đó diện tích khu vực biển để phát triển nuôi biển là 45.146 ha.
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Ninh kiểm tra cơ sở nuôi trồng thủy sản ở huyện Vân Đồn. (Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh) |
Theo đó, Quảng Ninh ưu tiên các phương thức nuôi công nghệ hiện đại, tiên tiến đảm bảo có kiểm soát theo hướng giảm mật độ nuôi trong vùng 03 hải lý; bố trí sắp xếp nuôi từ 3 đến 6 hải lý đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn sinh học phù hợp sức tải môi trường, cấp mã cơ sở nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Khuyến khích ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, công nghệ nuôi mới, nuôi biển công nghệ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm giảm áp lực khai thác nguồn cá tự nhiên làm thức ăn; phát triển các mô hình nuôi đa canh, nuôi kết hợp với trải nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để phát triển nuôi biển theo tiêu chí xanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy chu trình OCOP để các hợp tác xã, doanh nghiệp liên tục sáng tạo sản phẩm OCOP thủy sản cho phù hợp. Công tác bảo tồn biển thể hiện ở khía cạnh tập trung xây dựng, tổ chức và mở rộng công tác đồng quản lý ở các khu vực bảo tồn và đưa các hoạt động khám phá, giáo dục và du lịch vào các khu vực như hệ sinh thái rừng ngập mặn Ramsan, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Hy vọng qua những chính sách thiết thực, cụ thể trên, kinh tế biển Quảng Ninh sẽ phát triển hiệu quả, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.