Quảng Ninh: Bắt tạm giam loạt cán bộ hợp tác xã ở thị xã Quảng Yên Quảng Ninh: 6 người bị bắt vì vi phạm quy định về đấu thầu tại thị xã Quảng Yên |
Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh), ngày 16/11/2022 cơ quan này cho biết đã khởi tố khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 6 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Hoàng Thu Hiền, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên; Hoàng Thị Hưng, Kế toán Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên; Nguyễn Huy Xuyên, Giám đốc Công ty CP thương mại Phú Xuyên; Hoàng Thị Huế, nhân viên kế toán Công ty CP thương mại Phú Xuyên; Lê Bá Anh, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ văn phòng Thông Minh; và Tô Thị Sa, nhân viên Công ty TNHH công nghệ văn phòng Thông Minh.
Các quyết định khởi tố và bắt tạm giam các bị can trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Theo cơ quan điều tra, kết quả điều tra bước đầu xác định, từ năm 2017-2020, lợi dụng việc Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên được giao làm chủ đầu tư thực hiện 5 gói thầu mua sắm thiết bị trường học, bị can Hoàng Thu Hiền đã thông đồng, cấu kết với Hoàng Thị Hưng, Nguyễn Huy Xuyên, Hoàng Thị Huế, Lê Bá Anh, Tô Thị Sa hợp thức hóa hồ sơ, đẩy giá trị các gói thầu cao hơn thực tế nhằm hưởng phần chênh lệch với tổng số tiền là 4,738 tỉ đồng.
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên |
Được biết, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2020, thời gian Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên được giao làm chủ đầu tư thực hiện nhiều gói thầu mua sắm thiết bị trường học và sự việc trên khiến dư luận lo ngại tiêu cực xảy ra ở các gói thầu khác cũng như kiến nghị làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan.Dư luận lo ngại trước hiện tượng ngân sách đầu tư lớn cho hiện đại hoá giáo dục bị lợi dụng, làm sai và mong rằng, các dự án cần được rà soát, phát hiện kịp thời các sai phạm nếu có, xử lý khắc phục kịp thời đồng thời phát huy, nhân rộng các dự án làm tốt, không để "con sâu làm rầu nồi canh".
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Nguyễn Anh Tuấn, để bảo đảm môi trường đấu thầu thật sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý công tác đấu thầu tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với hiệu quả công tác đấu thầu; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước tiên nếu để xảy ra vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4 Ðiều 89 Luật Ðấu thầu năm 2013 và áp dụng các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định tại Ðiều 121, Ðiều 122 Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thông tin xử lý nhà thầu vi phạm đến Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Giao cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu tại bộ, ngành, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, sở kế hoạch và đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu như nội dung, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu... Tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu; đào tạo, phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về đấu thầu cho cán bộ thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia. Tạo điều kiện để nâng cao năng lực, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, bảo đảm có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án.