Nhằm đầu tư hiệu quả cho hạ tầng thương mại (HTTM), Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút nguồn lực. Nhờ vậy, cơ sở HTTM trên địa bàn không ngừng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng hiện đại. Mô hình trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô, chất lượng với 27 siêu thị và 5 trung tâm thương mại đang hoạt động.
Riêng về chợ, theo báo cáo của Sở Công Thương, hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ trên địa bàn có mức tăng trưởng hàng năm đạt khá, tốc độ tăng bình quân trong những năm gần đây cao và tương đối ổn định. Tại các chợ vùng miền núi, nông thôn do một số chính sách ưu tiên phát triển nên hàng hóa tại chợ ngày càng phong phú, sức mua tăng. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ có tỷ trọng trên 50% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ qua các hình thức phân phối.
Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn được hoàn thiện, đồng bộ theo hướng hiện đại |
Theo quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có tổng số 184 chợ, trong đó có 22 chợ hạng I, 37 chợ hạng II và 125 chợ hạng III. Tổng hợp số lượng chợ được giữ nguyên theo hiện trạng trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng số 26 chợ; quy hoạch hệ thống chợ được nâng cấp, cải tạo là 87 chợ; quy hoạch hệ thống chợ hiện trạng được di chuyển là 16 chợ; quy hoạch hệ thống chợ xây dựng mới có 56 chợ; 3 chợ sẽ tiến hành xóa bỏ.
Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch là 2.483.074 triệu đồng, trong đó giai đoạn 2015 - 2020 là 1.852.174 triệu đồng và giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 630.900 triệu đồng. Trong tổng vốn đầu tư, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 - 25%, phần vốn còn lại là vốn vay tín dụng, vốn của doanh nghiệp và vốn góp của các hộ kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Ninh nắm bắt và tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển chợ, đồng thời sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Hoạt động đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư chung của chính phủ và của tỉnh. Khuyến khích các DN/HTX đầu tư xây dựng chợ. Xây dựng các chính sách ưu đãi khác cho DN đầu tư xây dựng chợ như: Chính sách đất đai, tín dụng, thuế... Các DN được quyền sử dụng đất và các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng theo quy định hiện hành để đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp chợ.
Hiện phần lớn dân số Quảng Ninh sống ở nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, vì vậy chợ vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư. |