Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh |
Những tiền đề quan trọng
Tại kỳ họp lần thứ tư HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Đức Long cho biết: Bức tranh kinh tế của Quảng Ninh khép lại trong năm 2016 có thể nói khá sáng sủa. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt, trong đó kinh tế tăng trưởng trên 10,1%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 36.500 tỷ đồng, thu nội địa đạt số thu cao nhất từ trước tới nay: 24.000 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, tổng chi cho đầu tư phát triển tính đến hết năm 2016 ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57% tổng chi ngân sách địa phương. Đây là mức chi đầu tư phát triển cao nhất từ trước đến nay (năm 2015 là trên 52%). Năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 54.400 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó, vốn nhà nước xấp xỉ 21 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; vốn ngoài nhà nước 22 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9%.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR - chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng 1 đồng sản phẩm trong GRDP, chỉ số ICOR càng thấp thì hiệu quả đầu tư càng cao) tăng lên rõ rệt, đạt 4,89 (năm 2015 đạt 6,29) - thể hiện kết quả đáng khích lệ về điều hành trong đầu tư phát triển, trên tinh thần tập trung vào các công trình, dự án động lực, trọng điểm, không dàn trải và dứt điểm các công trình, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo đánh giá của giới doanh nghiệp, Quảng Ninh chắc chắn nằm trong top dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Tổng số vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 567,3 triệu USD, tăng 30% cùng kỳ. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án phát triển Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (330,4 triệu USD); hai dự án tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà là Nhà máy nhuộm, dệt may (77,41 triệu USD), dự án Nhà máy sản xuất khăn mặt, khăn tắm (50 triệu USD)… Quảng Ninh đang tích cực hoàn thiện thủ tục để sớm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao của Tập đoàn AMATA (Thái Lan). Tính đến nay, Quảng Ninh đang có 120 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 5,6 tỷ USD.
Dẫn đầu trong huy động nguồn lực xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chính quyền Quảng Ninh phải là chính quyền đối thoại, chính sách đồng bộ với bộ máy, thái độ cầu thị, học hỏi kinh nghiệm, triển khai ý tưởng mới nhanh chóng và quyết đoán thông qua dịch vụ công hiệu quả. Quảng Ninh phải trở thành 1 trong 5 địa phương đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phấn đấu tối thiểu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi hiện nay”. |
Mục tiêu đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh có cơ cấu công nghiệp dịch vu theo hướng hiện đại, đi đầu trong cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc.
Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, bên cạnh việc đi đầu trong cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đề xuất nhiều cách làm mới trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tiên phong trong lĩnh vực huy động nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng đồng bộ. Từ năm 2012 - 2016, tập trung huy động nguồn lực cao nhất cho đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng vốn huy động cho 10 nội dung hạ tầng, trong đó có 4 nội dung hạ tầng quan trọng với nguồn vốn trên 190 nghìn tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 6.749 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 21.449 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách 81.340 tỷ đồng; vốn các dự án đầu tư theo PPP 78.950 tỷ đồng). Hiện nay, Quảng Ninh là địa phương được đánh giá là rất sôi động trong đầu tư phát triển và diện mạo thay đổi nhanh do huy động được nguồn lực lớn đầu tư ngoài ngân sách.
Quảng Ninh đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Nhờ nguồn lực lớn ngoài ngân sách, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã và đang triển khai gần 100 công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư tới trăm ngàn tỷ đồng (chủ yếu đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng điện). Trong đó có nhiều dự án lớn như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng 10.000 tỷ đồng; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn 13.700 tỷ đồng; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo quốc lộ 18A đoạn Hà Tu - Mông Dương gần 14.000 tỷ đồng; dự án mở rộng đường 18A đoạn Hạ Long - Uông Bí gần 2.900 tỷ đồng; dự án cầu Bắc Luân II 939 tỷ đồng; dự án cảng bến du thuyền Tuần Châu 10.000 tỷ đồng; công viên Đại Dương gần 7.800 tỷ đồng; Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh hơn 7.800 tỷ đồng…
Đây là những công trình hạ tầng quan trọng đồng bộ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững... Do vậy, Quảng Ninh cùng các nhà đầu tư quyết tâm tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm đồng bộ này. Phấn đấu trong năm 2017, hàng loạt công trình hoàn thành. Ví như, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến (hoàn thành tháng 6/2017). Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương và đường dẫn cầu Bắc Luân II (hoàn thành 2017). Cảng hàng không Quảng Ninh và sân bay Vân Đồn đang được Tập đoàn SunGroup đầu tư đẩy nhanh tốc độ thi công, phấn đấu cuối năm 2017 đón chuyến bay đầu tiên.
Tại buổi làm việc với Quảng Ninh ngày 22/12/2016, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về hợp tác công - tư. Trong giai đoạn 2012 - 2016, Quảng Ninh đã huy động trên 190 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, 1 đồng ngân sách đã huy động được 8,3 đồng ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.