Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: 6 kiên trì giúp địa phương giữ vững ngôi vị quán quân PCI Cầu Bến Rừng gần 2.000 tỷ nối Quảng Ninh - Hải Phòng lỡ hẹn khánh thành? |
Ngày 12/5, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao".
Các đại biểu chủ trì hội thảo Hội thảo văn hóa 2024 |
Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi hội thảo, nội dung được nhiều đại biểu chia sẻ là những bài học, kinh nghiệm quản lý, huy động nguồn ngực để xây dựng, kiện toàn hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động khẳng định văn hóa là nguồn tài nguyên tiềm tàng, quý hóa nhất; con người được xác định là nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững. Mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội thảo |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” là một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2020 - 2030; xác định phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện các khâu đột phá, gồm: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - nhân tố quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao; Đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, phấn đấu, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực, châu Á về du lịch di sản văn hóa.
Theo thông tin ghi nhận tại hội nghị, Quảng Ninh đã thực hiện các một số nhiệm vụ và giải pháp để đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay, Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao Quảng Ninh đã được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại phục vụ các sự kiện, chương trình lớn và còn là điểm du lịch nổi tiếng của du khách khi đến Quảng Ninh.
Được biết, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng nhà hát tỉnh, trung tâm văn hóa tỉnh với quy mô đẳng cấp quốc tế, hiện đại trở thành công trình văn hóa biểu tượng của Quảng Ninh.
Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đó là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa.
Bên cạnh các thiết chế văn hóa thể thao do nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế văn hóa thể thao do các doanh nghiệp, tư nhân xây dựng ngày càng nhiều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ninh đã có hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mang tính đẳng cấp quốc tế được đầu tư, như: Công viên Đại Dương của Tập đoàn Sun Group; khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup; khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tầu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, sân golf Ngôi sao Hạ Long...
Những dự án, công trình trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.