Chủ động nguồn hàng
Để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 5398/UBND-TM1 về việc đảm bảo công tác dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng trên địa bàn tỉnh. Tới nay, các địa phương đang tích cực tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn hàng và sẵn sàng luân chuyển hàng hóa trong nội tỉnh, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mọi điều kiện của dịch bệnh.
![]() |
Hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại Quảng Ninh dồi dào, phong phú |
Cùng với sự chủ động của địa phương trong việc tự chủ nguồn hàng hóa thiết yếu, các hệ thống siêu thị trong tỉnh như: GO!, VinMart, MM Mega Market, Lan Chi... đều tăng lượng hàng hóa dự trữ so với bình thường. Các đơn vị này đã ký cam kết đảm bảo cung ứng và bình ổn giá lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các đơn vị cũng sẵn sàng phương án bố trí thêm lực lượng nhân viên, mở thêm quầy thanh toán, phân luồng khách đến mua hàng, thanh toán, phục vụ nhân dân nhanh chóng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh tại điểm bán.
Đủ đáp ứng nhu cầu người dân
Theo thống kê, hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 16.845 cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm. Trong đó, có 11 siêu thị, 90 cửa hàng tiện lợi, 15.226 cơ sở kinh doanh tại chợ và 1.518 cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu khác. Tổng năng lực cung ứng của các siêu thị trong thời gian 30 ngày trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tính riêng tổng giá trị hàng hóa cung ứng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của hệ thống MM Mega Market, GO! Hạ Long, VinMart, TTP, Lan Chi, Aloha Maill, VinMart+ trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 744 tỷ đồng.
Ngành Công Thương Quảng Ninh cũng đã rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu, đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định thị trường hàng hóa trong tỉnh. Sở cũng thường xuyên thực hiện rà soát, nắm thông tin báo cáo nguồn hàng từ các đơn vị gửi về để có phương án điều chỉnh và bổ sung nguồn hàng thực tế phù hợp với nhu cầu của người dân; đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cũng như “thổi giá” trong mùa dịch.
Ngoài việc chủ động nguồn hàng, Sở Công Thương đã công bố danh sách các điểm bán hàng mua sắm thiết yếu trực tuyến và điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Hiện, sở đã xây dựng 5 phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu, phù hợp với từng mức độ diễn biến dịch bệnh; thành lập 2 tổ điều phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh do lãnh đạo Sở Công Thương làm tổ trưởng.
Ngành Công Thương Quảng Ninh đã và đang tích cực, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online và đưa sản phẩm bán trên các sàn thương mại điện tử trực tuyến. |