Tỉnh Đồng Nai dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 149 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao (trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao và 140 sản phẩm đạt 3 sao). Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận OCOP đối với 2 sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ - thị xã Đức Phổ đạt 3 sao và Điểm du lịch Thành cổ - thành phố Quảng Ngãi đạt 4 sao.
Quảng Ngãi đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP |
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 71 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Trong đó có 16 nhãn hiệu chứng nhận, 53 nhãn hiệu tập thể và 02 chỉ dẫn địa lý (quế Trà Bồng, tỏi Lý Sơn).
Có thể thấy, những năm qua, nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương, Chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm nên bước đầu hình thành một số sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: Nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành...
Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên rất hăng hái tham gia, bởi vậy, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng gia tăng.
Quảng Ngãi phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 50 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 3 - 4 sao. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 550 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao và có ít nhất 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Định hướng đến năm 2030, đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn (kể cả đô thị) trong tiến trình thực hiện xây dựng thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đề ra một số giải pháp nâng tầm giá trị sản phẩm trong thời gian tới.
Theo đó, định hướng OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng; thực hiện tốt công tác truyền thông về Chương trình OCOP; chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực các tổ chức là chủ thể các sản phẩm OCOP; lựa chọn các sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tham gia Chương trình OCOP và phải xuất phát từ ý tưởng; xây dựng và ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP...
Riêng với hoạt động xúc tiến thương mại, những năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức giới thiệu, trưng bày các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng trên địa bàn tỉnh ở thị trường trong nước và khu vực, đồng thời làm cầu nối để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và liên kết mở rộng thị trường với các đối tác trong khu vực và thế giới. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác thu mua một số nông sản chủ lực của tỉnh.
Hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp và nông dân tìm hiểu, liên kết hợp tác…
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian tới sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; hỗ trợ để sản phẩm OCOP được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số.
Bên cạnh đó, việc tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu được xác định là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của địa phương.