Quảng Ngãi: Công nghiệp là “chủ công”phát triển trong thời gian tới |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 4,53%
Kết thúc năm 2022, ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả ấn tượng, với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 43,6% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 129 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2021. Đặc biệt 2 sản phẩm chủ lực là lọc hóa dầu (đạt 7 triệu tấn) và thép (đạt 5,5 triệu tấn) đã có những đóng góp lớn cho ngành công nghiệp của tỉnh.
Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021 như: tinh bột mỳ tăng 10,6%, bia tăng 37%, quần áo may sẵn tăng 24%, đá khai thác tăng 9%, nước khoáng tăng 17%, bánh kẹo các loại tăng 10%, điện sản xuất tăng 35%, nước máy tăng 4%...
Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển, thu hút được nhiều dự án, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, chỉ số sản xuất công nghiệp 01/2023 của tỉnh tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: lọc hóa dầu tăng 6,6%; bia các loại tăng 27%; thủy sản chế biến tăng 9,7%; sản phẩm may mặc tăng 22,5%; phân hóa học tăng 17,6%; điện sản xuất tăng 3,3%.
Dịp Tết Quý Mão, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên vận hành ở mức công suất 110% |
Các sản phẩm tăng là do: Nhà máy lọc hóa dầu vận hành 100,3% công suất thiết kế; nhu cầu tiêu thụ cuối năm của sản phẩm bia, thủy sản, sản phẩm may mặc tăng mạnh vì doanh nghiệp tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu phục vụ tiêu dùng Tết Nguyên đán; phân hóa học tăng do phục vụ nhu cầu sử dụng phân bón vụ Đông Xuân của bà con nông dân.
Ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao
Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Phát triển ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án lớn, có sức lan tỏa. Đồng thời, thu hút các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi xác định tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các nước có nền công nghiệp hiện đại đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh thực hiện hoàn thành các dự án (Ảnh: Hoà Phát) |
Ngoài ra, năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ chủ đầu tư các dự án thủy điện trong việc triển khai thi công xây dựng; hoàn thành, đưa vào vận hành các dự án thuỷ điện. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án kinh doanh hạ tầng Khu Đô thị Công nghiệp Dung Quất; dự án Khu công nghiệp nhẹ Bình Hòa - Bình Phước và dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP 2 Quảng Ngãi; nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Mới đây, tại văn bản số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2 (chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới. |