Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động mua bán hàng hoá của một số nhóm ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bị tác động lớn. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bởi các biện pháp kiểm dịch, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa tuy ước tăng 7,02% so quý I/2019 nhưng đây là tốc độ tăng thấp nhất cùng kỳ những năm qua (năm 2018 tăng 10,5%; năm 2019 tăng 10,9%). Dự tính doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 3/2020 chỉ đạt 2,64 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so tháng trước (+0,44%) và giảm 2,56% so tháng cùng kỳ năm 2019.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm mặc dù dự tính tăng 4,72% so tháng trước do thời gian qua tâm lý của một số người tiêu dùng mua sắm dữ trữ do dịch bệnh và tháng 2/2020 là tháng sau tết, tuy nhiên so tháng cùng kỳ giảm 13,25%, đây là mức giảm lớn qua các năm. Mặt hàng may mặc giảm nhiều so tháng trước và cùng kỳ (-27,2% và - 26,3%), nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở may mặc cá thể phục vụ khách du lịch tại Hội An giảm mạnh. Đặc biệt, các mặt hàng như: xăng dầu giảm do nhu cầu đi lại cũng hạn chế và giá xăng giảm mạnh, hàng vật liệu xây dựng thời gian này thường là trọng điểm của hoạt động xây dựng, tuy nhiên cũng bị ảnh hưởng dịch nên tốc độ tăng chậm.
![]() |
Tổng mức hàng bán lẻ tăng so với cùng kỳ, song vẫn nhiều khó khăn đặt ra do ảnh hưởng dịch Covid-19 |
Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn tăng so tháng trước và cùng kỳ: đồ dùng gia đình; vật phẩm văn hoá giáo dục; phương tiện đi lại; nhiên liệu và dịch vụ sửa chữa xe có động cơ. Tuy vậy, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 9,07 nghìn tỷ đồng, tăng 7,02% so quý I/2019. Đây được cho là tốc độ tăng thấp nhất cùng kỳ những năm qua (năm 2018 tăng 10,5%; năm 2019 tăng 10,9%).
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ bị tác động trực tiếp, nguyên nhân được cho là người tiêu dùng hạn chế đi đến các điểm vui chơi, giải trí, siêu thị, nơi đông người. Tại siêu thị, người tiêu dùng chỉ đến mua những sản phẩm cần thiết, không có nhu cầu vui chơi; so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu vẫn giữ ổn định, nhóm hàng gia dụng, quần áo sức mua giảm từ 10-30%. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn không có hiện tượng người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa như rau quả, thực phẩm... để tích trữ, dùng dần.
Được biết, tại chợ dân sinh sức mua vẫn bình thường, không có hiện tượng tập trung mua hàng nhiều tại siêu thị. Đồng thời, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn diễn ra bình thường; mặt hàng dưa hấu hiện nay mới đang giai đoạn đầu vụ...
![]() |
Quảng Nam đảm bảo đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp |
Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt việc người dân đi mua xăng, dầu về trích trữ tại nhà. Hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết đảm bảo nguồn cung cấp xăng dầu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Thực hiện việc treo bảng khuyến cáo khách hàng và người dân không nên mua xăng dầu tích trữ.
Xác định Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến mức hàng hóa tiêu thụ giảm mạnh so với các năm, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam - cho hay, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BCT về các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua đơn vị đã tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch như thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của ngành.
Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời ứng phó khi thị trường bất ổn. Ngoài ra, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đơn vị cũng xây dựng phương án dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khi dịch bệch bùng phát lan rộng trên địa bàn tỉnh; tham gia kiểm tra phòng, chống dịch tại các địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh đảm bảo thực hiện nghiêm việc mua bán hàng hóa (khẩu trang, nước sát khuẩn...) đúng nguồn gốc, đúng quy định, không để xảy ra trường hợp ghim hàng, tăng giá đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để kịp thời có giải pháp ứng phó khi có biến động của dịch.