Chủ tịch Quốc hội: Tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng tích cực hơn Quảng Nam: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng giảm 26,3% |
Sản xuất công nghiệp gặp khó
Ngày 6/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 18. Đến dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP ước giảm 8,25% so với năm 2022; đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay, thấp nhất so với 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh); trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 21,7% so với năm 2022, riêng công nghiệp giảm 24,3%.
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Nam |
Như vậy, tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu do ngành công nghiệp - ngành chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu khó khăn trong thị trường tiêu thụ, đặc biệt là ô tô. Đây cũng là xu hướng đối với các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới.
Công nghiệp giảm sâu so với năm trước, xây dựng gặp khó khăn do giá cả tăng cao vì thiếu nguyên vật liệu thông thường. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7% so với năm 2022, riêng công nghiệp giảm hơn 24,3%. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch thì phải đối mặt với nhiều khó khăn, toàn cầu, dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên, vật liệu khan hiếm,... đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất.
Riêng ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, bình quân giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất chiếm 48% trong công nghiệp chế biến, chế tạo và hơn 22% so với tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh nhưng năm 2023 các chỉ số khối lượng sản xuất, khối lượng tiêu thụ, doanh thu đều giảm hơn 10%, dẫn đến chỉ số chỉ số sản xuất toàn công nghiệp năm 2023 giảm hơn 22,7%.
Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô gặp nhiều khó khăn |
Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 dự kiến đạt gần 24.000 tỷ đồng, chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra, 3 chỉ tiêu không đạt.
Báo cáo tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Thống nhất ý chí, đoàn kết vượt qua khó khăn
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận năm 2023, kinh tế của tỉnh Quảng Nam vẫn còn khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022, đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Công tác theo dõi, giám sát, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, xảy ra sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra chỉ rõ, một số tổ chức, cán bộ bị xử lý kỷ luật dưới các hình thức khác nhau.
“Đây là lúc tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, đoàn kết, thống nhất ý chí và nghị lực, phát huy bản sắc văn hóa con người và truyền thống cách mạng của Đảng bộ Quảng Nam, lãnh đạo nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, tập trung ổn định tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại của năm 2023”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại kỳ họp |
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quảng Nam cần tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Quảng Nam cần khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra. Chuẩn bị tốt các điều kiện, nguồn lực, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy thế mạnh của du lịch Hội An, Mỹ Sơn. Tạo sức bật mới cho khu kinh tế Chu Lai và vùng đông của tỉnh, hoàn thành dứt điểm các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các trục ngang của tỉnh.