Hà Nội: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 7,79% |
Chiều 7/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả cho thấy nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt khá toàn diện, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt khá toàn diện, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. |
Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 hơn 34.642 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 12,8%, tăng gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, cao thứ 4 của cả nước, đứng vị trí thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Điều này cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đã có tiến triển, khởi sắc.
Quy mô nền kinh tế ước tính đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,4%; khu vực dịch vụ chiếm 30,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,6%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì phát triển, phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng 22,7%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 16,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 32,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20%. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 25 tỷ đồng, tăng 110,8%.
Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 866,4 triệu USD tăng 21,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.523,4 triệu USD tăng 29,4%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4% |
Tính đến hết tháng 6, cả tỉnh có 674 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,4% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 4.455 tỷ đồng.
Cấp mới 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 23,5 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 195 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD. Cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 5,6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 940 dự án với tổng vốn đăng ký gần 240 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 Quảng Nam đứng vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, thuộc nhóm khá, tăng 0,52 điểm và tụt 06 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 05 chỉ số tăng điểm gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý; 05 chỉ số giảm gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế: tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực thương mại - dịch vụ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, tuy nhiên đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm; công tác phối hợp giải quyết các hồ sơ, thủ tục giữa các Sở, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu. Tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…
Nhiệm vụ trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế đảm bảo hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022. Phát huy tối đa vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Nam trong Năm Du lịch quốc gia 2022. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng.