Cần một chương trình khung
Tại cuộc họp với 22 chủ hồ, đập thủy điện trên địa bàn về sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồ Quang Bửu - đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm, giúp đỡ của các chủ hồ, đập thủy điện trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện. Song, hiện nay mỗi đơn vị thủy điện đều có một cách làm riêng, không có sự phối hợp. Các hoạt động trao sinh kế chỉ mang tính nhất thời, không lâu dài và bền vững khiến đời sống của một số người dân ở lưu vực lòng hồ vẫn còn khó khăn.
Đa dạng, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện |
Trước tình trạng đó, ông Hồ Quang Bửu đề nghị các chủ hồ, đập thủy điện rà soát, xác định lưu vực thủy điện và các hộ dân thuộc lưu vực của từng đơn vị; chủ trì, tăng cường phối hợp hơn nữa với chính quyền địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các mô hình phát triển sinh kế bền vững cho người dân phù hợp với đặc thù địa hình, tập quán của địa phương. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, phương thức tổ chức sản xuất và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hoạt động sản xuất của người dân trong quá trình triển khai các mô hình sinh kế.
“Ngoài chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh, các nhà máy thủy điện cần hiến kế xây dựng một chương trình khung trong việc ổn định sinh kế bền vững cho người dân” - ông Bửu nhấn mạnh. Ông cũng giao Sở Công Thương chủ trì, xây dựng khung chương trình tổng thể về sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện gửi các chủ hồ, đập thủy điện, các địa phương và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện.
Đa dạng hóa sinh kế
Tại khu vực miền núi Quảng Nam hiện có 22 nhà máy thủy điện, diện tích lòng hồ hơn 20.000ha mặt nước và có đến 10.000ha đất nương rẫy hiệu quả canh tác kém, hoặc không thể sản xuất được.
Để phát triển một cách có hiệu quả và bền vững, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng các mô hình phục hồi, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện như: Trồng rừng, cây dược liệu, nuôi cá lồng bè tại các lòng hồ thủy điện, chăn nuôi, du lịch trên hồ thủy điện… đề nghị các chủ hồ, đập thủy điện tham khảo, vận dụng triển khai các mô hình đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
“Hiện Quảng Nam cũng mời gọi doanh nghiệp phối hợp với thủy điện làm du lịch trên lòng hồ nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.
Trước đó, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thả hơn 150,000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Đây là hoạt động thường niên của công ty nhằm góp phần tạo sinh kế cho người dân huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, đặc biệt là các hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Với chủ trương nuôi trồng thủy sản, trồng dược liệu, du lịch trên lòng hồ thủy điện… Quảng Nam kỳ vọng sẽ là hướng phát triển sinh kế bền vững, giúp đồng bào thiểu số ở lưu vực lòng hồ thủy điện không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên vùng đất mới. |